Khi mạng "ảo" lan tỏa giá trị thật
Trong bối cảnh đương đầu với đại dịch, mạng xã hội với khả năng lan tỏa thông tin nhanh chóng đã trở thành một công cụ hữu hiệu, là cầu nối không biên giới góp phần san sẻ khó khăn, hỗ trợ chống dịch.
Cuối năm 2021 vừa qua là khoảng thời gian không thể nào quên của người dân ở tổ dân phố (TDP) 4, phường Tân Hòa (TP. Buôn Ma Thuột) khi có đến gần 200 người của hơn 50 gia đình bị phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19.
Khi ấy, ông Nguyễn Thanh Nam, Tổ trưởng TDP 4 được vợ “gắn thẻ” vào một status trên Facebook về những khó khăn của các hộ dân trong vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người. Ngay sau đó, một người dân từng sinh sống trên địa bàn đã liên hệ và ủng hộ 10 triệu đồng, nhờ Ban tự quản TDP mua giúp các suất nhu yếu phẩm cho các hộ trong khu phong tỏa. Người dân và các hộ kinh doanh ở các TDP khác cũng liên lạc để ủng hộ rau củ quả, thịt, sữa…
Cũng nhờ mạng xã hội, con em của các gia đình trên địa bàn đang sinh sống ở nơi khác và cả ở nước ngoài cũng biết được tình hình tại TDP và ủng hộ kinh phí cho lực lượng chống dịch và nhờ người thân mua giúp lương thực, thực phẩm tặng bà con khu cách ly. Ước giá trị các hoạt động hỗ trợ bằng tiền và vật phẩm của mọi người trong gần 2 tháng thực hiện các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại TDP 4 lên đến gần 50 triệu đồng.
Lực lượng chống dịch tại TDP 4, phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột chuyển các suất nhu yếu phẩm từ ủng hộ của mọi người đến các hộ dân khu vực phong tỏa. |
Từ một người không quen sử dụng mạng xã hội, ông Nguyễn Thanh Nam trở nên tích cực tương tác hơn. Ông chủ động đăng các status cập nhật tình hình ủng hộ, tiếp tế thực phẩm đến bà con và bày tỏ sự biết ơn đối với những sẻ chia đầy nghĩa tình ấy. Ông Nam tâm sự, tôi thật sự bất ngờ trước tinh thần san sẻ, tương trợ của bà con khắp nơi trước khó khăn đột xuất của người dân trong tổ. Những đóng góp này không chỉ giúp bà con yên tâm thực hiện tốt các biện pháp chống dịch mà còn thắt chặt thêm sợi dây tình cảm giữa mọi người, giúp những người con đã, đang và từng sống tại đây thêm quý mến nhau dù dịch bệnh hay khoảng cách địa lý có tạo nên những vách ngăn vô hình.
Được thành lập từ giữa tháng 10/2021, Nhóm Hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk đã huy động được nhiều nguồn lực về con người, trang thiết bị, vật tư y tế để hỗ trợ cho các trường hợp nhiễm vi rút SARS-COV-2 đủ điều kiện cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà. Bác sĩ Phạm Hòa Anh, Trưởng Ban điều hành nhóm cho biết, nhóm sử dụng mạng xã hội là kênh truyền thông chính để chuyển tải các thông điệp của chương trình. Từ mạng xã hội, nhiều nhà hảo tâm đã biết đến hoạt động của nhóm và chủ động kết nối để ủng hộ tiền, vật phẩm cho chương trình. Nhiều nhóm y bác sĩ, nhóm từ thiện ở các tỉnh thành cũng kết nối để san sẻ nguồn vật tư y tế quý giá cũng như những kinh nghiệm trong quản lý và điều trị F0 tại nhà.
Nhóm Hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk sắp xếp các vật tư được mọi người ủng hộ cho chương trình. (Ảnh do Nhóm Hỗ trợ và điều trị F0 tại nhà Đắk Lắk cung cấp) |
Đến nay, nhóm đã có hơn 100 tình nguyện viên, trong đó có gần 40 người là các y bác sĩ, nhân viên y tế. Nhóm cũng đã nhận được ủng hộ gần 150 triệu đồng, hàng trăm bình oxy, máy đo nồng độ oxy máu và nhiều vật tư cần thiết khác như khẩu trang, đồ bảo hộ, thuốc điều trị… Các khoản đóng góp, hoạt động của nhóm cùng số lượng bệnh nhân tiếp nhận điều trị miễn phí đều được công khai trên trang mạng xã hội để mọi người được biết và lan tỏa thêm tinh thần, giá trị của các hoạt động của nhóm, đó là lấy nguồn lực từ cộng đồng phục vụ cho cộng đồng. Những nỗ lực ấy nhằm mang lại "lợi ích kép", vừa giảm tải áp lực cho ngành y tế, vừa giúp bệnh nhân nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng có được tâm lý tốt hơn khi điều trị bệnh.
Mạng xã hội đã tạo nên một không gian tương tác “mở” cho tất cả mọi người. Những dòng “status”, nút “like” hay tính năng chia sẻ không chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ của đám đông hay chỉ là một thế giới “ảo” như suy nghĩ của nhiều người mà đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp về tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa đồng bào và đã đóng góp nhiều giá trị “thật”, là một vũ khí chống dịch hiệu quả trong thời đại 4.0.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc