Multimedia Đọc Báo in

Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên: Nỗ lực vượt khó

10:21, 31/01/2022

Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề.

Thế nhưng, với nỗ lực của mình, Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên đã chủ động, linh hoạt để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm học, từng bước nâng cao, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời chung tay sẻ chia khó khăn với cộng đồng, xã hội.

Năm 2021,làn sóng COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp cùng với những yếu tố khách quan khác đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tuyển sinh, giảng dạy của nhà trường. Ước tính doanh thu của nhà trường sụt giảm trên 40% so với cùng kỳ năm 2020, gây thiệt hại lớn đến kế hoạch phát triển chung của nhà trường.

Sinh viên ngành Công nghệ ô tô trong giờ học thực hành.

Đứng trước những khó khăn, thử thách, tập thể cán bộ, nhân viên nhà trường đã đoàn kết, cùng nhau đi qua “cơn bão” đại dịch. Hiện Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên có hơn 150 giáo viên, cán bộ, nhân viên. Dịch COVID-19 gây tác động nặng nề, song nhà trường vẫn duy trì bộ máy hoạt động ổn định, đóng bảo hiểm xã hội, chi trả lương cho giáo viên, nhân viên đúng thời hạn, đảm bảo đời sống cho người lao động. Về công tác tuyển sinh, nhà trường đã sớm xây dựng kế hoạch, đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh linh động nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh, học viên tiếp cận thông tin tuyển sinh một cách thuận lợi nhất trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Năm học 2021 - 2022, trường tuyển sinh được 500 học viên, sinh viên, nâng tổng số học viên, sinh viên toàn trường lên 1.900 em.

Hiện nay, trường đào tạo 3 cấp trình độ gồm: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, với nhiều mã ngành gồm: Y sĩ, Điều dưỡng, Dược, Quản lý kinh doanh du lịch, Công nghệ thông tin, Chăn nuôi thú y, Công nghệ ô tô, Tiếng Anh, Quản trị văn phòng. Trong năm 2021, Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe ô tô, tiến hành mở các khóa bồi dưỡng, đào tạo phục vụ nhu cầu của học viên.

Với mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa tổ chức có hiệu quả hoạt động dạy học, nhà trường đã chủ động trong công tác quản lý điều hành và giảng dạy. Trường đã chuyển sang giảng dạy trực tuyến và giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, khoa, giáo viên luôn bám sát tình hình học tập của mỗi học viên, sinh viên. Đồng thời nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của tỉnh và TP. Buôn Ma Thuột về công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho học viên, sinh viên, giáo viên.

Đặc biệt, nhằm giải quyết tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, trong khóa tuyển sinh năm 2021, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên còn thực hiện cam kết với phụ huynh, sinh viên sẽ được hoàn trả 100% học phí nếu tốt nghiệp ra trường không có việc làm đúng chuyên ngành theo học. Đây là bước đột phá mới của nhà trường. Nhà trường còn miễn học phí cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tặng học bổng cho học viên giỏi lên đến 1 triệu đồng/người/tháng; giảm 50% học phí học lái xe ô tô tại trường… Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức ký kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu việc làm cho học viên, sinh viên sau khi ra trường; mở rộng hợp tác quốc tế với mô hình đào tạo du học vừa học vừa làm tại các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức… tạo thêm nhiều cơ hội ra nước ngoài làm việc cho sinh viên học tại trường.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, song với tinh thần “tương thân tương ái”, mong muốn sẻ chia khó khăn và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, Trường Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên cũng đã có các hoạt động như tích cực hưởng ứng đợt phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức các chuyến xe “0 đồng” tham gia đưa đón công dân từ TP. Hồ Chí Minh đi qua địa phận tỉnh Đắk Lắk…

Thanh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.