Multimedia Đọc Báo in

Về xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Lắk

17:44, 01/01/2022

Về Buôn Tría - xã đầu tiên của huyện Lắk được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) - có thể nhận thấy những thay đổi rõ nét, từ cơ sở hạ tầng khang trang đến cảnh quan môi trường sạch đẹp, đặc biệt là đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Chủ tịch UBND xã Buôn Tría Nguyễn Trọng Biết cho hay, năm 2011, khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn xã mới chỉ đạt 2/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết cấu hạ tầng yếu kém, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế... Nhận rõ tầm quan trọng của việc tuyên truyền vận động xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền xã đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, nói đi đôi với làm, sâu sát, gắn bó với quần chúng nhân dân.

Thường trực Đảng ủy xã đã phân công đảng ủy viên về dự sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo, gỡ vướng kịp thời. Chính quyền địa phương cũng mạnh dạn điều động, luân chuyển cán bộ đúng với năng lực, sở trường, phát huy trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Đồng thời, phát động phong trào thi đua xây dựng NTM sôi nổi trong các tổ chức hội, đoàn thể.

Một góc trung tâm xã Buôn Tría.

Phát huy phương châm “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân thụ hưởng” trong xây dựng NTM, đội ngũ cán bộ, đảng viên từ xã đến thôn, buôn đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động nhân dân. Mặt khác, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp dân, hoặc hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng tham gia thực hiện, hoàn thành các tiêu chí. Dẫn chúng tôi đi trên con đường trước nhà đã được bê tông hóa rộng 4 m, dài gần 1.000 m, ông Nguyễn Tôn Đẫm ở thôn Liên Kết 2 chia sẻ: “Hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, gia đình tôi sẵn sàng chung tay cùng địa phương thực hiện. Năm 2020, gia đình đã hiến 1.500 m2 đất, tham gia nhiều ngày công để bê tông hóa đường ngõ xóm. Việc làm này không chỉ giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn mà còn trực tiếp góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM”.

Cùng với gia đình ông Đẫm, nhiều hộ khác cũng tích cực tham gia, hộ có đất hiến đất, hộ có công góp công, hộ khá hỗ trợ hộ nghèo. Từ năm 2011 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã hiến khoảng 42.000 m2 đất, đóng góp gần 1.800 ngày công lao động và gần 2 tỷ đồng tiền mặt mua vật liệu xây dựng công trình dân sinh.

Từ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và sự chung tay, góp sức của nhân dân, các công trình hạ tầng NTM dần hoàn thiện. Đến nay, 100% đường trục xã, trục thôn và 80% đường ngõ xóm đã được bê tông hóa. Đường nội đồng được cứng hóa; các công trình thủy lợi, trạm bơm nước đảm bảo nguồn tưới tiêu. 100% hộ dân trong xã được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; trên 91% dân số trong độ tuổi lao động có việc làm. 8/8 thôn, buôn toàn xã được công nhận “Thôn/buôn văn hóa” cấp huyện; 2/3 trường học đạt chuẩn quốc gia; hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển…

Đoàn viên thanh niên xã Buôn Tría trồng cây xanh trước khuôn viên nhà văn hóa xã mới được xây dựng khang trang.

Người dân trong xã đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển kinh tế. Toàn xã có 1.000 ha lúa nước và 200 ha cà phê. Nếu như năm 2010, năng suất lúa cao lắm cũng chỉ đạt 7 tấn/ha thì nay tăng lên 11 tấn/ha; cà phê từ 2 tấn/ha lên 2,5 tấn/ha. Số hộ khá, giàu tăng; số hộ nghèo mỗi năm giảm 3 - 4%. Từ một xã khó khăn, năm 2021 Buôn Tría chỉ còn 62 hộ nghèo (chiếm 6,4% dân số). Nhiều hộ đã vượt khó vươn lên làm giàu như gia đình ông Vũ Công Nghĩa (thôn Liên Kết 3), Nguyễn Công Bình (thôn Liên Kết 3), Nguyễn Văn Long (thôn Đông Giang 1)… thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ phát triển kinh tế nông nghiệp đa cây, đa con.

Nông thôn mới đã làm chuyển mình vùng quê Buôn Tría...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.