Multimedia Đọc Báo in

Vượt lên số phận

06:15, 07/01/2022

Lúc mới chào đời, chị Ngô Mạc Tố Nga (trú thôn 5, xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) không may mắn bị khuyết tật bẩm sinh. Tuy nhiên, vượt lên nghịch cảnh của số phận, chị không còn mặc cảm, tự ti và tìm được một công việc để có thể tự nuôi sống bản thân.

Nhìn khuôn mặt xinh xắn của chị, không ai nghĩ rằng chị bị khuyết tật. Ngày mới chào đời, chị được bác sĩ chẩn đoán bị khuyết tật bẩm sinh không thể nghe và nói được. Chị được bố mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi song vẫn không khỏi bệnh. Không muốn con buồn, sống trong mặc cảm, bố mẹ đã gửi chị Nga đi học tại Trường Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, đến lớp 3 thì trở về nhà tại huyện Ea H’leo để học tiếp. Nhưng chị chỉ học được đến lớp 5 thì ở nhà vì việc nói và nghe không tốt gây khó khăn cho quá trình tiếp thu tại lớp.

Chị Nga với công việc ở quán cà phê hằng ngày.

Nhằm giúp con hòa nhập được với mọi người xung quanh, bố mẹ đã cho chị làm phục vụ ở quán phở. Mất hai năm trời cùng nhiều nỗ lực, cố gắng, chị mới biết tính toán, nhân chia thành thạo. Trải qua nhiều công việc khác nhau, năm 2012 chị Nga quyết định mở quán cà phê tại gia đình để có thể nuôi sống được bản thân. Để giao tiếp được với mọi người xung quanh, chị sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để nói chuyện. Vào mỗi buổi sáng chị thường thức dậy từ rất sớm để sắp xếp bàn ghế, chuẩn bị  bán hàng. Dù không thể nghe và nói được nhưng việc thanh toán tiền, pha cà phê, rửa ấm chén được chị thực hiện một cách thành thạo, khách đến quán ai cũng khen vì cô chủ cẩn thận, sạch sẽ. Trung bình mỗi tháng thu nhập từ bán cà phê mang lại cho chị Nga hơn 4 triệu đồng, giúp chị tự trang trải cuộc sống.

Tự nuôi sống được bản thân, chị Nga cảm thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, tự tin hơn, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội Phụ nữ địa phương. Nghị lực vươn lên của chị Nga cũng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ trên địa bàn xã Cư Mốt học tập.

Nguyễn Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.