Multimedia Đọc Báo in

Nữ Chủ tịch công đoàn năng nổ, sáng tạo

08:26, 08/02/2022

Với sự năng nổ, sáng tạo trong công việc, chị Nguyễn Thị Vọng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Cư M'gar luôn hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.

<p>Chị Nguyễn Thị Vọng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Cư M'gar.<br></p>

Chị Nguyễn Thị Vọng

Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Cư M'gar.

Chị thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt hoàn cảnh gia đình các cán bộ, đoàn viên, người lao động khó khăn để hỗ trợ kịp thời; triển khai tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa  như hỗ trợ xây nhà "Mái ấm công đoàn", Chương trình “Tết sum vầy”, “Tháng Công nhân”, thăm và hỗ trợ người lao động bị bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Đặc biệt, chị luôn quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của nữ đoàn viên công đoàn, đôn đốc công đoàn các đơn vị triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”...; giúp các nữ đoàn viên công đoàn tự tin hơn trong rèn luyện, phấn đấu, trở thành nòng cốt trong đơn vị, làm điểm tựa vững vàng của gia đình.

Phát huy vai trò nêu gương, dù bận bịu công việc ngoài xã hội, chị vẫn sắp xếp chu toàn việc nhà. Với chị, gia đình êm ấm, thuận hòa chính là nền tảng để làm việc ngày càng tốt hơn. Chị tâm sự: “Tôi mong người lao động luôn được bảo vệ quyền lợi khi làm việc, vì vậy tôi luôn đặt bản thân vào vị trí như một người bạn, người chị để lắng nghe những tâm tư, tình cảm của cán bộ nhân viên, đặc biệt là nhân viên nữ, để cùng trao đổi, chia sẻ nhằm giúp họ vượt qua khó khăn, phấn đấu làm việc tốt hơn. Hạnh phúc của tôi là được đồng hành cùng người lao động”.

Chị Vọng chịu khó học hỏi, tích lũy kiến thức từ sách vở, tài liệu, từ đồng nghiệp, bạn bè; tìm hiểu những mô hình, cách làm hay để khéo léo vận dụng vào thực tế. Từ đó, chị đã có những sáng kiến nhằm nâng cao hiệu quả công tác công đoàn; đơn cử như giải pháp về công tác thu kinh phí công đoàn, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Trên thực tế, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cư M'gar có quy mô vừa và nhỏ, thuộc các ngành nghề kinh doanh xăng dầu, nông sản, xây dựng…, sử dụng lao động thời vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh lại gặp khó khăn nên không thu được kinh phí công đoàn, không bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Chị Vọng cùng Ban Thường vụ LĐLĐ huyện đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và thu kinh phí công đoàn doanh nghiệp ngoài nhà nước; Kế hoạch giám sát pháp luật lao động vị trí, chức năng của công đoàn, các quy định pháp luật về việc làm, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động, Luật Công đoàn… nhằm giúp chủ doanh nghiệp hiểu đầy đủ vị trí, chức năng của tổ chức công đoàn, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Vọng trao quà cho các đoàn viên công đoàn cơ sở, người lao động thuộc Công ty Cổ phần Dương Gia Đắk Lắk (huyện Cư M'gar). 

Cùng với tuyên truyền, vận động, chị Vọng chú ý nắm bắt tình hình, điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhằm chia sẻ, khích lệ, đề cao những thành quả đơn vị đó đã đạt được, tạo không khí thoải mái khi tiếp xúc và sự yên tâm cho doanh nghiệp. Nhờ đó việc thu kinh phí công đoàn doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa có tổ chức công đoàn đã có những thay đổi đáng kể. Nếu những năm trước không thu được thì từ năm 2017 đến nay, năm nào cũng thu đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Đối với CĐCS doanh nghiệp ngoài Nhà nước, tỷ lệ người lao động tham gia tổ chức công đoàn trên 90% đến 100%; quyền lợi của người lao động được bảo đảm.

Với sự nỗ lực và trách nhiệm trong công việc, chị Nguyễn Thị Vọng nhiều năm liền được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.