Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở Ea Kiết

08:32, 17/03/2022

Vấn nạn tảo hôn đã để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ hủ tục lạc hậu, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Buôn Mông từng là một “điểm nóng” về tình trạng tảo hôn tại xã Ea Kiết. Ở đây, có những cặp vợ chồng dù còn rất trẻ nhưng đã có đến hai, ba mặt con, cuộc sống luẩn quẩn trong vòng đói nghèo vì lập gia đình quá sớm. Chị Hào Thị G. lấy chồng từ năm 17 tuổi, giờ đã có hai con. Năm nay vừa bước qua tuổi 21 nhưng dáng người nhỏ nhắn của chị lúc bế con khiến ai nhìn vào cũng tưởng chị gái đang bế em.

Chị G. cho biết, hai đứa con của chị chưa được làm giấy khai sinh vì bố mẹ chưa đăng ký kết hôn. Vợ chồng chị định năm sau đứa đầu đến tuổi đi học rồi mới làm giấy khai sinh. “Cuộc sống vất vả lắm, chỉ biết lên rẫy làm thôi, không xác định được tương lai vì ở phụ thuộc bố mẹ chồng. Vợ chồng em sẽ cố gắng làm việc để nuôi con ăn học có cái nghề, làm nông khổ lắm. Sau này em sẽ không để con gái lấy chồng sớm đâu”, chị G. trải lòng.

Còn anh Lò Văn Hùng (SN 1997) lấy vợ từ năm 16 tuổi, đến nay đã có 2 con, đứa lớn cũng đã được 8 tuổi. Nhà không có đất sản xuất, vợ chồng anh thường đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Anh Hùng chia sẻ: “Bố mất sớm, lên lớp 5 là mình đã bỏ học ở nhà phụ mẹ nuôi năm em nhỏ, đến năm 16 tuổi tự nghĩ mình là người lớn rồi, nên lấy vợ thôi. Giờ cuộc sống vất vả nên vợ chồng mình chỉ biết cố gắng làm lụng nuôi con”.

Tảo hôn, sinh đông con khiến cuộc sống của nhiều người dân ở buôn Mông, xã Ea Kiết khó khăn.

Ông Hoàng Văn Páo, Trưởng buôn Mông cho biết, nhiều trẻ em ở đây vì hoàn cảnh khó khăn nên phải bỏ học giữa chừng, rồi sau đó lập gia đình. Đất rẫy ít, một số cặp vợ chồng trẻ sau khi lấy nhau phải đi làm thuê ở các tỉnh phía Nam, con cái gửi ông bà chăm sóc. Cũng theo ông, trước đây, tụi trẻ cứ thích là về ở với nhau, không kể tuổi tác. Nhiều cặp còn uống thuốc cỏ cháy tự tử khi bị gia đình ngăn cấm. Lúc ấy, người lớn đành phải chấp nhận cho chúng ở với nhau. Tuy vậy, những năm trở lại đây, cán bộ thôn, buôn phối hợp với cán bộ tư pháp tổ chức tuyên truyền pháp luật, đặc biệt Luật Hôn nhân gia đình; lồng ghép tuyên truyền vào những ngày họp buôn, ngày Đại đoàn kết dân tộc, khi tổ chức các trò chơi theo phong tục… cũng như nhắc nhở gia đình, người thân để khuyên nhủ. Nhờ vậy, người dân dần hiểu rõ hơn và nhận thức được những hệ lụy từ việc tảo hôn, đến nay tình trạng tảo hôn đã giảm rất nhiều.

Xã Ea Kiết hiện có 13 thôn, buôn, trong đó có 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Tình trạng tảo hôn chủ yếu xảy ra ở buôn Mông. Ở đây hiện có khoảng 240 hộ dân chủ yếu là đồng bào Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào, người dân đa phần sinh sống bằng phát nương, làm rẫy. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thuyết phục, phổ biến pháp luật, hiện tình trạng tảo hôn đã từng bước được giảm dần. Theo số liệu thống kê, từ năm 2020 đến nay, toàn xã chỉ có 3 trường hợp tảo hôn tại buôn Mông.

Ông Hoàng Văn Páo (Trưởng buôn Mông) chia sẻ về tình trạng tảo hôn tại địa phương.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết, để xóa bỏ tình trạng tảo hôn cũng như hôn nhân cận huyết thống, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân gia đình đến từng hộ dân; thường xuyên nắm bắt tình hình dân di cư tự do tại buôn Mông để có hướng tuyên truyền, vận động kịp thời. Đồng thời, phát huy, khơi dậy những thuần phong mỹ tục tốt đẹp cũng như cương quyết tuyên truyền, vận động để xóa bỏ những hủ tục lạc hậu thông qua việc đưa vào hương ước, quy ước của thôn, buôn; tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.