Multimedia Đọc Báo in

Nữ cán bộ Đoàn hết lòng "Vì đàn em thân yêu"

06:21, 25/03/2022

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa công bố danh sách 94 cán bộ Đoàn có thành tích xuất sắc nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022. Tỉnh Đắk Lắk vinh dự có 1 cán bộ Đoàn tiêu biểu được nhận giải thưởng cao quý này là Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Cư M’gar Võ Thị Mỹ Trinh.

Năm 2008, tốt nghiệp ngành Kế toán của một trường cao đẳng, chị Võ Thị Mỹ Trinh vào làm kế toán kiêm cán bộ Đoàn phụ trách công tác Đội tại Huyện Đoàn Cư M’gar. Năm 2010, chị trúng cử Ban Chấp hành Huyện Đoàn, sau đó giữ chức Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện từ đó đến nay. 14 năm gắn bó công tác Đoàn - Đội, chị Trinh khiến nhiều người nể phục bởi những chương trình, phần việc cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của địa phương.

Hiểu rõ những thiệt thòi của học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với vai trò Chủ tịch Hội đồng Đội, chị Trinh luôn suy nghĩ cần phải hành động để chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn với “đàn em thân yêu”. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm chị vận động đoàn viên thanh niên toàn huyện đóng góp kinh phí hoặc phát động phong trào “Kế hoạch nhỏ” trong các trường học và kêu gọi sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức hảo tâm trong và ngoài huyện mua tặng 100 xe đạp cho học sinh nghèo có điều kiện đến trường. Từ năm 2016 đến nay, Hội đồng Đội huyện cũng đã hỗ trợ xây dựng 8 căn nhà Khăn quàng đỏ tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với mức hỗ trợ từ 60 - 80 triệu đồng/căn; tặng hàng nghìn suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…

Chị Võ Thị Mỹ Trinh.

Trong năm 2021, chị Trinh đã định hướng cho các Đoàn trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện triển khai chương trình “Tiếp sức đường dài" nhằm góp phần hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện tiếp tục đến trường. Đến nay, huyện đã “tiếp sức” cho 199 học sinh, với kinh phí hỗ trợ từ 300 - 500 nghìn đồng/em/tháng. Từ mô hình này, giáo dục cho các đội viên, nhi đồng truyền thống “tương thân, tương ái”, phát huy tinh thần đoàn kết, biết chia sẻ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.

Năm học 2021 - 2022, trên địa bàn huyện có gần 2.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 chưa có sách giáo khoa, chị Trinh đã chủ động kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân chung tay hỗ trợ. Chỉ trong một thời gian ngắn đã nhận được 285 bộ sách giáo khoa, 1.280 quyển vở, 308 bút viết trị giá gần 80 triệu đồng. Đến nay, tất cả học sinh trên địa bàn huyện đã đủ sách giáo khoa học tập. Chưa hết, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu học tập trực tuyến của nhà trường, giáo viên và học sinh trong giai đoạn dịch COVID-19, chị đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện Đoàn chủ động liên hệ với Mobifone Đắk Lắk hỗ trợ 658 sim 4G cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và các thầy cô giáo, trị giá 116 triệu đồng.

Chị Trinh cũng đã tham mưu thành lập 2 câu lạc bộ “Vì đàn em thân yêu” với 63 thành viên hoạt động trực tiếp tại hai xã khó khăn trên địa bàn huyện là Ea M'droh và Ea H'đing với các hoạt động như: mở lớp học yêu thương phụ đạo cho thiếu nhi, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ học bổng, sách vở và tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về kỹ năng cho các em.

Trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chị đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện Đoàn thành lập các đội hình thanh niên “Phòng tuyến áo xanh” với 17 đội hình thanh niên cấp cơ sở và 1 đội hình cấp huyện với 345 thành viên chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, tham gia trực các điểm chốt phòng, chống dịch; đồng thời vận động các nguồn lực tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.