Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa và loại bỏ bệnh dại khỏi đời sống cộng đồng

06:14, 24/03/2022

Đắk Lắk là một trong những địa phương xảy ra nhiều ca bệnh dại và nhiều người tử vong do bệnh dại. Chính vì vậy, nỗ lực phòng ngừa và loại bỏ bệnh dại khỏi đời sống cộng đồng là mục tiêu hướng tới của Đắk Lắk đến năm 2030.

Nâng cao ý thức người dân

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong năm 2021, chi cục đã lấy được 17 mẫu bệnh phẩm của chó, mèo bị dại và nghi có bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 8/17 mẫu dương tính với vi rút dại (tỉ lệ 47%); đã có 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra một trường hợp bị nhiễm và tử vong do bệnh dại. Chi cục cũng đã tiến hành điều tra 10 trường hợp nghi mắc bệnh dại trên đàn chó và lấy được 5 mẫu, trong đó có 4 mẫu cho kết quả dương tính với bệnh dại. Điều này cho thấy tiềm ẩn bệnh dại trên đàn chó, mèo rất cao, nguy cơ gây hại sức khỏe cho cộng đồng là không nhỏ.

Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin).

Hằng năm, vào giai đoạn chuyển mùa sang mùa khô, ngành thú y sử dụng phương tiện xe lưu động có gắn loa phát thanh, pa nô tuyên truyền về việc “Toàn dân tích cực hưởng ứng tiêm phòng vắc xin dại để phòng bệnh cho động vật và người” tại các địa phương. Đồng thời, triển khai tiêm vắc xin dại tại các thôn, buôn, khối phố.

Trong năm 2022, công tác tiêm phòng dại được triển khai đồng bộ ở các địa phương, với 46.705 liều vắc xin. Để công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện chủ động áp dụng cách thức tổ chức tiêm phòng phù hợp, tùy tình hình ở mỗi địa phương mà thực hiện đặt điểm tiêm cố định tại trạm chăn nuôi và thú y, ban thú y xã, phường, thị trấn hoặc tổ chức đội tiêm phòng lưu động phục vụ tận nhà người dân.

Bà Tống Thị Hộ (thôn 18, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) cho hay, hằng năm cứ bước vào đầu mùa nắng nóng là bà con trong thôn đều được thông báo về lịch tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh dại… Nhận thức được điều này nên năm nào gia đình cũng chấp hành tiêm phòng dại đầy đủ cho hai con chó nuôi để phòng bệnh và ngăn ngừa nguy cơ chó bị bệnh cắn người lây truyền bệnh dại cho người.

Theo bà Nguyễn Thị Tiêu, cán bộ thú y cơ sở của huyện Cư Kuin, những năm gần đây xảy ra nhiều trường hợp chó dại cắn người, có trường hợp gây chết người nên bà con bắt đầu ý thức hơn và mỗi đợt tiêm phòng dại được triển khai tại xã thì người dân đều chấp hành tốt. Tuy nhiên, do thời điểm tiêm phòng trúng đợt thu hoạch hồ tiêu, bà con thường đi ra rẫy nên rất khó để bắt chó, mèo cho cán bộ thú y tiêm phòng. Vì vậy, để bảo đảm công tác tiêm phòng đúng tiến độ, cán bộ thú y cơ sở phải đi tiêm từ sáng sớm hoặc tối muộn khi có người dân ở nhà.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh trên 170 nghìn con. Trong đó, đa số chó được nuôi ở khu vực nông thôn vẫn thả rông nên nguy cơ bùng phát bệnh dại vào mùa hè rất cao. Do đó, công tác tiêm phòng dại được các địa phương quyết liệt triển khai để tránh nguy cơ vật nuôi bị bệnh dại có thể cắn người, truyền bệnh dại dẫn đến tử vong ở người.

Tiến tới loại bỏ bệnh dại

Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ tiêm phòng vẫn thấp hơn nhiều so tổng đàn hiện có, mới đạt trên 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng lớn chó nuôi ở rẫy của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ có đời sống khó khăn với mục đích trông coi nương rẫy, nên rất khó bắt giữ chó để tiêm phòng dại; chi phí vắc xin và công tiêm phòng tương đối cao, trong khi kinh phí nhà nước không hỗ trợ cho loại vắc xin này; một bộ phận không nhỏ các hộ nuôi chó, mèo vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo…

Cán bộ thú y tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho đàn chó mèo trên địa bàn xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin).

Để tháo gỡ những khó khăn trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn tỉnh và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.

Ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục phó phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, từ trước đến nay tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đều thực hiện thông qua xã hội hóa. Việc UBND tỉnh ban hành kế hoạch này sẽ mang lại nhiều thuận lợi, trước hết là các địa phương buộc phải quan tâm và xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo. Đồng thời, tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ mua vắc xin dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo nhằm bảo đảm mục tiêu chung là đạt trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 80% tổng đàn được tiêm phòng trong giai đoạn 2026 – 2030, hỗ trợ mua vắc xin dại tiêm phòng khẩn cấp miễn phí cho đàn chó, mèo thuộc đối tượng ưu tiên là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình chính sách, hộ nghèo… Ngoài ra, các hộ nuôi chó, mèo phải thực hiện đúng quy định về đăng ký việc nuôi chó, mèo tại địa phương; khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người; tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo đầy đủ... Đối với chủ nuôi chó, mèo không được hỗ trợ, phải tự bảo đảm kinh phí tiêm phòng cho đàn chó, mèo theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương.

Theo ông Thủy Lệ Vũ, để tiến tới xóa bỏ bệnh dại, chúng ta cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành liên quan để mỗi người dân biết cách phòng bệnh cho đàn chó, mèo và bảo vệ bản thân đối với bệnh dại. Hy vọng trong thời gian tới, các giải pháp đồng bộ từ địa phương, từ các hoạt động giáo dục, tiêm phòng cho chó, mèo và tăng cường nhận thức về xử lý vết thương, tiêm phòng sau khi bị chó nghi dại cắn... Đắk Lắk sẽ loại bỏ được bệnh dại khỏi đời sống cộng đồng.

Theo Kế hoạch phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030, trên địa bàn tỉnh có trên 70% số huyện, thị xã, thành phố giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh dại trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 90% trong giai đoạn  2026 – 2030. Giai đoạn 2022 - 2025, quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo; trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030. 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.