Multimedia Đọc Báo in

A.Yersin với Tây Nguyên

17:02, 23/03/2022

Bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin sinh ngày 22/9/1863, tại Lavaud thuộc miền quê nước Thụy Sĩ. Năm 1886, ông sang Pháp làm việc tại Viện Pasteur Paris. Ông là một trong những học trò xuất sắc của nhà bác học Louis Pasteur. Ông không chỉ làm khoa học mà còn dành thời gian để thám hiểm, viễn du nhiều nơi trên thế giới.

Năm 1890 ông lên đường sang Viễn Đông trên chuyến tàu buôn của hãng Hàm Rồng. Những năm 1890 - 1894, A.Yersin một mình hoặc cùng một vài dân làng rong ruổi khắp mọi miền đất nước Việt Nam. Năm 1893 là năm đánh dấu mốc quan trọng khi ông thực cuộc thám hiểm và phát hiện ra cao nguyên Lâm Viên. Năm 1895, ông sáng lập ra Viện Pasteur Nha Trang. Năm 1902, ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Y khoa Đông Dương (nay là Trường Đai học Y Hà Nội), là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học, Viện Hàn lâm Y học Pháp, Tổng Giám đốc các Viện Pasteur Đông Dương... Đóng góp vĩ đại nhất của bác sĩ A.Yersin là nghiên cứu, phát hiện vi rút, vi trùng, trực khuẩn dịch hạch, điều chế ra huyết thanh ngừa bệnh, điều trị các dịch bệnh thành công như bệnh dịch hạch, cứu nguy cho nhân loại.

Bác sĩ Yersin và đoàn tùy tùng thám hiểm cao nguyên Liangbian năm 1893. Ảnh tư liệu

Với địa bàn Tây Nguyên, A.Yersin có nhiều kỷ niệm và gắn bó. Khi đến Việt Nam, ông đã sớm đặt chân đến cao nguyên, vượt qua dải Trường Sơn hùng vĩ, chinh phục nhiều vùng đất mà phần nhiều là rừng rậm nguyên sinh. Các cuộc thám hiểm kéo dài trong điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Năm 1893, ông khám phá cao nguyên Lang Biang (Lâm Viên), phát hiện ra Đà Lạt thuở còn nguyên sơ, nơi có khí hậu rất giống với châu Âu. Đà Lạt sớm được ông quy hoạch và xây dựng thành nơi du lịch nghỉ dưỡng xinh đẹp và hình thành Viện Pasteur Đà Lạt. Ông là người mang sang Việt Nam rất nhiều giống cây trồng, vật nuôi. Nhiều loại cây cối, hoa trái bây giờ được trồng phổ biến nhưng lúc đó còn rất “mới lạ” như cây cao su, cà phê, ca cao hay những giống cây ôn đới như cà rốt, súp lơ, su su, lay-ơn, cẩm tú cầu, xà lách, cà chua... Đặc biệt, ông cho trồng thử nghiệm cây cà phê ở Lâm Đồng, Đắk Lắk và Pleiku. Khi cây cà phê sinh trưởng tốt, phù hợp với thổ nhưỡng ở Tây Nguyên thì mới trồng thành đồn điền quy mô lớn. Lúc đầu là những đồn điền cà phê của các nhà tư bản Pháp, sau này người dân trồng thành những rẫy cà phê bạt ngàn trên khắp núi đồi cao nguyên. Từ đó cây cà phê trở thành cây kinh tế mũi nhọn của vùng đất đỏ bazan, là nông sản giá trị mang lại nguồn lợi to lớn cho người trồng và ngành nghề kinh doanh, dịch vụ liên quan như chế biến, xuất khẩu...

A.Yersin chọn Nha Trang làm nơi sinh sống, an dưỡng đến cuối đời. Người dân nơi đây yêu mến gọi ông bằng cái tên thân mật - ông Năm Yersin. Ngày 1/3/1943 ông qua đời và được chôn cất tại Suối Dầu, Cam Lâm (Khánh Hòa) với di nguyện mãi mãi nằm lại với mảnh đất này. Trong di chúc để lại, ông viết: “Khi tôi mất, tôi muốn chôn cất ở Suối Dầu... Hãy giữ tôi ở lại với Nha Trang, đừng cho ai lấy tôi đi”.

Căn nhà nhỏ của A.Yersin tại Nha Trang trở thành bảo tàng nhỏ về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Nhiều người yêu mến ông không chỉ thể hiện ở tấm lòng tưởng nhớ mà còn lưu lại mãi ký ức qua những câu chuyện, hình ảnh, hiện vật, sách báo liên quan đến vị bác sĩ danh tiếng lững lẫy này. Điều may mắn, thú vị là hình ảnh về A.Yersin được tìm thấy khá nhiều trong thời gian gần đây. Đó là bộ tem Đông Dương về A.Yersin, ảnh chân dung với gương mặt tươi sáng, nhân từ, nhiều ảnh ghi lại hoạt động. Đặc biệt, hành trình thám hiểm lên vùng đất Tây Nguyên cũng được tìm thấy qua những bức ảnh tư liệu. Trong đó có nhiều bức ảnh quý hiếm, độc lạ như bức ảnh bác sĩ A.Yersin và đoàn tùy tùng dừng chân ở một ngôi làng của đồng bào thiểu số với con voi, ngôi nhà dài (ảnh được trưng bày ở Bảo tàng Lâm Đồng)... Có lẽ, con voi xuất hiện trong ảnh là phương tiện giúp bác sĩ đi lại để thám hiểm núi rừng Tây Nguyên, băng qua nhiều buôn làng. Một bức ảnh khác chụp bác sĩ Yersin đứng trên một chiếc thang bắc lên một lưng voi. Trên đầu voi là một nài voi tay cầm dùi móc điều khiển voi. Trên lưng voi có mái che hình “mái vòm” rất duyên dáng. Mái che lưng voi kiểu này ngày xưa rất phổ biến, được bà con sử dụng để che mưa nắng cho những người ngồi lên bành voi khi đi lại những nơi xa xôi. Trong cuốn sách “Chuyến đi đến xứ Thượng Đông Dương - Alexandre Yersin” và bản đồ hành trình thám hiểm của Yersin năm 1892 - 1894 (trưng bày ở Bảo tàng Lâm Đồng) có ghi địa danh Ban Done (Bản Đôn). Con voi và người nài trong bức ảnh lưu niệm của Yersin có thể là voi của Bản Đôn, quê hương của vua voi Khujunob.

Bức ảnh ba con voi trước ngôi nhà sàn do Yersin chụp tại ngôi làng Êđê trong chuyến thám hiểm Tây Nguyên năm 1893. Ảnh tư liệu

Đáng lưu ý là có nhiều bức ảnh do chính bác sĩ A.Yersin chụp trong cuộc hành trình thám hiểm qua các buôn làng. Qua góc nhìn của ông, ta thấy buôn làng Tây Nguyên hoang sơ, những tộc người mặc trang phục, khí giới cổ xưa như chiến binh thời thị tộc, nhóm người dự hội làng đang diễn tấu, giới thiệu bộ cồng chiêng với nhiều chiếc lớn nhỏ khác nhau giống như dàn chiêng hiện thời của các dân tộc Bắc Tây Nguyên như Jrai, Bhanar, Xơ Đăng... Những ngôi nhà trệt truyền thống của dân tộc Mạ, bên góc sân là nơi chất củi, trước sân là những cây nêu, cọc buộc trâu - những dấu tích của lễ hội mừng mùa, ăn trâu, hiến tế thần linh theo tập tục cổ truyền. Trong ảnh còn cho thấy những buôn làng sung túc với kiến trúc nhà sàn vững chắc của dân tộc Êđê, nhiều chú voi nhà tụ tập trước sàn hiên nhà để nhận hoặc chở hàng hóa, vật phẩm, có thể là sau chuyến đi săn hoặc buôn bán, trao đổi từ nơi xa về.

A.Yersin đi vào lịch sử như một huyền thoại. Năm 2014, ông được Chính phủ Nước CHXHCN Việt Nam công nhận: “Người công dân danh dự Việt Nam”.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.