Multimedia Đọc Báo in

Giữ rừng đầu nguồn bến nước trước áp lực đô thị hóa

06:28, 10/04/2022

Buôn Ma Thuột là một trong số ít thành phố vẫn còn một số diện tích rừng nguyên sinh trong không gian bến nước ở các buôn của đồng bào dân tộc Êđê.

Đây không chỉ là những lá phổi xanh, tạo bản sắc đặc trưng cho đô thị mà còn gắn với nét đẹp văn hóa, đời sống của cộng đồng người dân tộc bản địa nơi đây.

Gìn giữ “rừng thiêng”

Từ xa xưa, khi chọn đất lập làng, các bậc cao niên và có tầm ảnh hưởng trong các dòng họ người Êđê rất xem trọng vùng đầu nguồn làm bến nước vì đây sẽ là nguồn cung cấp nước chính cho nhiều thế hệ con cháu sau này. Nước được lấy từ các mạch nước ngầm, lọc qua nhiều tầng rễ của cây rừng nên lúc nào cũng trong lành, ngọt mát, thường được bà con dùng để uống trực tiếp mà không cần đun nấu.

Để duy trì mạch nước ngầm quanh năm, người Êđê đã giới hạn riêng vùng rừng đầu nguồn bến nước, xem đây là “rừng thiêng”, vùng rừng được cả thần linh và cộng đồng bảo vệ, không ai được phép xâm phạm, chặt cây cối. Ai vi phạm sẽ bị buôn làng xử phạt nghiêm bằng trâu, bằng bò và những lễ cúng tạ lỗi với các đấng siêu linh. Nhờ sự ràng buộc về luật tục cùng sự giáo dục về ý thức giữ gìn rừng thiêng đầu nguồn trong mỗi dòng họ, nhiều buôn đồng bào dân tộc Êđê đã bảo tồn nhiều diện tích rừng quý với những cây cổ thụ hàng trăm tuổi.

Một phần diện tích rừng đầu nguồn bến nước Ea Dul của buôn Kmrơng Prông B đã bị người dân xâm lấn và trồng các loại cây công nghiệp.

Bến nước Ea Dul của buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu) là một điển hình được cộng đồng bảo vệ. Ông Y Wih Êban, Bí thư Chi bộ buôn tự hào giới thiệu, dù mùa khô có nắng hạn đến đâu, mạch nước nơi đây vẫn chưa bao giờ ngừng chảy. Có được điều này phần lớn là nhờ hệ thực vật đa dạng ở rừng thiêng đầu nguồn. Hầu hết cây cối được giữ nguyên trạng từ cây cổ thụ tán cao, rễ sâu đến các loại tre nứa, cây bụi um tùm trên bề mặt. Bà con trong buôn cũng ý thức tốt việc bảo vệ rừng thiêng, mấy chục năm qua không hề xảy ra vụ chặt phá cây trong khu vực này. Ngay cả một thân cây cổ thụ lớn đã chết khô từ rất lâu cũng không ai dám xâm phạm bởi sợ bị phạt cũng như sợ sẽ tạo tiền lệ xấu về sau. Quần thể rừng thiêng – bến nước đã trở thành niềm tự hào của bà con trong buôn, là một tài sản quý giá để phát triển du lịch cộng đồng.

Không chỉ dựa vào luật tục

Tuy nhiên, đô thị ngày một phát triển, dân cư ngày càng đông đúc đã làm tăng áp lực về đất ở, đất canh tác, đe dọa sự bảo tồn về mặt diện tích của không gian rừng thiêng, bến nước tại các buôn dân tộc thiểu số ở TP. Buôn Ma Thuột. Đơn cử tại buôn Kmrơng Prông B, bên dưới những cây cổ thụ trăm tuổi của rừng thiêng đã có những cây cà phê, cây tiêu của một số hộ xâm lấn. Ông Y Wih Êban giãi bày, việc xâm lấn cứ tích tụ dần từ năm này qua năm khác. Ban đầu chỉ là phát vài bụi cỏ, trồng vài cây ngắn ngày rồi dần dần lan rộng ra, ước tính hiện tại đã có hơn 5.000 m2 bị xâm lấn. Buôn chỉ có thể vận động họ không sử dụng phân bón, thuốc hóa học khi canh tác trên phần diện tích đầu nguồn bến nước chứ không có tiền để mua lại phần diện tích vốn thuộc về cộng đồng.

Gần đó, bến nước buôn Kmrơng Prông A cũng đang bị thu hẹp dần diện tích trước áp lực đô thị hóa. Theo buôn trưởng Y Bây Kbuôr, diện tích còn lại của bến nước khoảng hơn 1 ha, trong đó có đến 60% là rừng nguyên sinh. Việc bảo vệ rừng đầu nguồn và không gian bến nước trước nay đều dựa vào vận động người dân là chính chứ chưa có một căn cứ pháp lý hoặc đo đạc cụ thể nào. Chính vì vậy, những diện tích bị xâm lấn hầu như rất khó có thể lấy lại. Nếu không có các biện pháp khoanh vùng, bảo vệ từ các cơ quan chức năng, việc bảo tồn không gian công cộng của buôn sẽ ngày càng khó khăn hơn.

Một phần diện tích rừng đầu nguồn bến nước buôn Kmrơng Prông bị người dân xâm lấn.

Bà H’Triệu Kđoh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tu cho biết, trên địa bàn xã có 6 buôn dân tộc thiểu số thì hiện chỉ còn 4 buôn còn bảo tồn được không gian rừng thiêng, bến nước. Tất cả bến nước cũng như không gian công cộng khác của các buôn như sân bóng, nghĩa trang... đều chưa được đo đạc, cấp sổ đỏ dẫn đến việc chưa phân định được ranh giới và nguy cơ bị xâm lấn về diện tích. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục đôn đốc các buôn thống nhất việc xác định ranh giới các khu vực đất công cộng, làm căn cứ rà soát, đo đạc và đề nghị cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư.

Trên thực tế, rất nhiều buôn tại TP. Buôn Ma Thuột đã không còn bến nước. Toàn thành phố hiện chỉ còn 15 bến nước được duy trì nhưng chất lượng và trữ lượng nước đã giảm nhiều do thu hẹp diện tích rừng đầu nguồn. Thành ủy Buôn Ma Thuột đã chỉ đạo UBND thành phố chủ trì thực hiện công tác quy hoạch, quản lý sử dụng đất trên cơ sở bảo tồn cảnh quan, không gian kiến trúc, cây xanh, bến nước… phù hợp với điều kiện thực tiễn và mong muốn của đồng bào dân tộc thiểu số. Sự quan tâm cần thiết về mặt quản lý nhà nước sẽ là cơ sở quan trọng để các buôn bảo tồn không gian mang đậm đặc trưng văn hóa và nét đẹp phong tục, tập quán lâu đời của người dân nơi đây.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.