Hội nghị tham vấn, phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Ngày 22/4, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị tham vấn, phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã có tham luận về: Trách nhiệm thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho nạn nhân bị bạo lực gia đình; công tác xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương; đánh gia thực trạng công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh thời gian qua; công tác tiếp nhận, chăm sóc y tế cho nạn nhân bạo lực gia đình.
Đại diện Hội LHPN huyện Cư M'gar tham luận về công tác xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. |
Các đại biểu cũng đã tham gia ý kiến phản biện, góp ý vào Dự thảo Luật, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), trong đó tập trung vào một số nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em như: Quy định về hành vi bạo lực gia đình; Quy định về hòa giải và các loại hình hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; Hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư; Mô hình phòng, chống bạo lực ở cộng đồng dân cư; Đào tạo, bồi dưỡng người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình; Trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên…
Trên cơ sở các ý kiến phản biện, góp ý của các đại biểu, Hội LHPN tỉnh tổng hợp, báo cáo ngành chức năng đề nghị xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, góp phần xây dựng, hoàn thiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Đại diện Đoàn luật sư tỉnh đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). |
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Bên cạnh kết quả đạt được, qua triển khai thực hiện Luật còn bộc lộ một số tồn tại cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn. Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành, dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Đây là Dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan trực tiếp đến toàn thể cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân có liên quan, bao gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc