Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân:
Nhìn từ chương trình mở rộng quy mô vệ sinh - nước sạch nông thôn
Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới được triển khai tại 21 tỉnh khó khăn khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung bộ từ năm 2016. Chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Đưa nước sạch về tận nhà
Năm 2018, công trình cấp nước tập trung xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) được nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, với tổng mức đầu tư 6,3 tỷ đồng. Nhờ vậy đã có thêm 500 hộ dân được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh so với thiết kế ban đầu, nâng tổng số hộ đã đấu nối lên gần 950 hộ, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.
Nhân viên quản lý Công trình cấp nước sinh hoạt xã Bông Krang (huyện Lắk) kiểm tra thực tế nước sinh hoạt tại các hộ dân trên địa bàn xã. |
Hơn 4 năm nay, gia đình Amí Phương ở buôn Sah A (xã Ea Tul) không còn lo lắng về nước sinh hoạt. Được tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng nước sạch nên dù mỗi tháng phải mất thêm một khoản đóng tiền nước, gia đình bà vẫn quyết định dùng nước của công trình. Amí Phương cho hay, gia đình cũng có giếng đào nhưng chỉ dùng để giặt giũ, vệ sinh, mọi sinh hoạt khác đều sử dụng nước sạch nhằm bảo đảm sức khỏe. Gia đình bà và các hộ trong buôn đều nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ công trình và môi trường, có sự cố gì báo ngay cho cán bộ trạm cấp nước xử lý kịp thời.
Sau thời gian dài “đắp chiếu”, Công trình cấp nước sinh hoạt xã Bông Krang (huyện Lắk) đã được “hồi sinh” vào năm 2019 từ nguồn vốn của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” với tổng kinh phí đầu tư trên 10,2 tỷ đồng. Công trình có công suất thiết kế 500 m3/ngày đêm, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 900 hộ dân trên địa bàn xã với tiêu chuẩn 60 lít/người/ngày đêm, góp phần “giải cơn khát” nước sinh hoạt vào mùa khô của người dân vùng khó.
Ông Y Nar Du (dân tộc M’nông) ở buôn Sruông (xã Bông Krang) không chỉ vui mừng vì nước sạch về tận nhà mà còn rất phấn khởi khi được Nhà nước hỗ trợ lắp đặt đường ống và miễn phí sử dụng 5 m3 nước đầu tiên. Theo ông Y Nar, mùa khô giếng thường cạn nước, mùa mưa thì bị đục khiến sinh hoạt gặp khó khăn. Từ khi công trình hoạt động trở lại, gia đình ông đã cho cả nhà con gái ở gần dùng chung nước, mỗi tháng cũng chỉ hết khoảng 100.000 đồng. Ông Y Nar còn yên tâm hơn vì từ khi thay đổi ban quản lý, công trình vận hành hiệu quả, nước cấp đều đặn, ổn định.
Sau khi được sửa chữa, nâng cấp, công trình cấp nước tập trung xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) đã cấp nước sinh hoạt ổn định cho người dân |
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Chương trình có tổng kế hoạch vốn thực hiện giai đoạn 2016 - 2022 trên 247 tỷ đồng được UBND tỉnh giao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành y tế và ngành giáo dục – đào tạo triển khai thực hiện. Đến nay, tỉnh đã thực hiện giải ngân gần 186 tỷ đồng cho cả 3 hợp phần: cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá.
Đến cuối năm 2021, chương trình đã đấu nối thêm cho 2.730 hộ được sử dụng nước sạch, nâng tổng số hộ được đấu nối lên 14.000 hộ; xây mới, nâng cấp, cải tạo 116 công trình cấp nước và vệ sinh trường học; nâng cấp, sửa chữa 62 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 4.400 hộ. Tỉnh đã hoàn thành vượt một số mục tiêu của chương trình như: thực hiện 33/30 xã vệ sinh toàn xã, hoàn thành các chỉ số “mềm” về lập kế hoạch, báo cáo, truyền thông tăng cường năng lực...
Chương trình đã góp phần tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 96,2% và hoàn thành mục tiêu thực hiện chỉ tiêu số 17 về môi trường trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm tình trạng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh, tăng cường sức khỏe cho người dân. Thông qua các hoạt động truyền thông đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, thay đổi nhận thức, hành vi về nước sạch, vệ sinh.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phạm Ngọc Bình cho biết, để duy trì tính bền vững của Chương trình, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ sử dụng nước tiết kiệm, có ý thức bảo vệ công trình cấp nước tập trung; đầu tư xây dựng và cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh. Các địa phương thụ hưởng chương trình và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát công trình vệ sinh tại trường học, trạm y tế; quan tâm chỉ đạo, quản lý, sử dụng hiệu quả các công trình đã được đầu tư xây dựng..
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc