Thế giới của những người... “không bình thường”
Những bệnh nhân tâm thần dù bị nặng hay nhẹ đều mang những ảo ảnh hết sức mơ hồ. Đằng sau những ảo ảnh đó là câu chuyện dày vò trong tâm trí họ ngự trị như một bí mật, ẩn số.
Bí ẩn sau những cơn điên
Vào một ngày giữa tháng 4, theo chân điều dưỡng N.T.M. vào Khoa Nam cấp, Bán cấp của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk. Bước qua khung cửa sắt vào tận nơi điều trị, có bệnh nhân thẫn thờ đứng im, có người cười nói, người la hét...
Lướt qua những khuôn mặt “ngây thơ”, đi đi lại lại trong phòng bệnh với đôi mắt vô định, tôi không khỏi sợ hãi. Thi thoảng, từ một góc lại vang lên tiếng cười khanh khách, hay tiếng hát của một bệnh nhân nào đó.
Bước chân vào căn phòng số 2, nơi điều trị cho bệnh nhân có triệu chứng nặng, tôi khá "sốc". Cánh cửa căn phòng mở ra, một thanh niên trạc hai mấy tuổi đang nằm ngủ li bì. Thấy tôi đang đăm chiêu thì ông Đ.V.P., bác của bệnh nhân vội lên tiếng: “Nó đang ngủ, lại gần làm nó dậy là nó trợn mắt ra gào thét ngay”.
Trò chuyện với ông P. mới hay, cháu là T.M.Q. (SN 1995, trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), là con trai đầu của em gái ruột ông, đây là năm thứ ba cháu bị mắc bệnh. Trước kia Q. ngoan ngoãn, lại rất ham học, có tố chất thông minh. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk sau 2 năm theo học, Q. không xin được việc nhưng không từ bỏ niềm đam mê học của mình, Q. ôn thi vào trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Bước vào năm thứ ba đại học, em bắt đầu có triệu chứng rối loạn tâm thần, được nhà trường thông báo, gia đình mới hay tin đến đón về chữa trị.
Thời gian đầu, gia đình cho Q. chữa trị tại Bệnh viện Tâm thần Đồng Nai. Sau khoảng nửa năm chữa trị, em đã trở lại được với cuộc sống đời thường, theo học nghề sửa chữa điện thoại. Bẵng đi khoảng gần một năm, căn bệnh của Q. lại tái phát, hai tuần trước khi nhập viện, Q. bắt đầu có biểu hiện bệnh đòi lên chùa ở, dọa đánh sư thầy, cầm dao là đòi chém người, cởi quần áo... Gia đình em phải dùng dây xích trói lại để khống chế mới mang vào được bệnh viện.
Ông P. cho hay, cháu rời gia đình, một mình vào học tập nên không biết được lý do vì sao lại phát bệnh, mặc dù gia đình đã dò hỏi bạn bè của cháu nhưng cũng chẳng hay được tin gì.
Ông Đ.V.P. (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc cháu T.M.Q. tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk. |
Bước ra khỏi cánh cửa căn phòng số 2, một cậu thanh niên cười hớn hở chạy lại gần tôi. Thấy tôi có vẻ hoảng sợ, điều dưỡng M. cho hay, bệnh nhân đó là Đ.Q.M. (SN 1997, phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột). Nay đã 25 tuổi, nhưng tâm hồn của M. vẫn còn như đứa bé. M. là con trai đầu của gia đình có hai anh em. Lúc vừa học hết lớp 8 thì em thôi học vì nghiện game. Đến năm 2019, trong một lần đi chơi với bạn, M. bị lừa uống nước có pha ma túy thì đổ bệnh, lúc đầu chỉ run rẩy, sau lên cơn co giật. Mỗi khi M. lên cơn, bao nhiêu cánh cửa trong nhà bị M. đập phá hết, đồ đạc trong nhà thì vứt ngoài sân. Được biết, mẹ M. cũng là bệnh nhân rối loạn tâm thần hơn 10 năm nay. Vì vậy, "họa vô đơn chí", từ ngày M. đổ bệnh, gánh nặng dồn lên đôi vai của bố khi một mình bố M. dựa vào quán cơm chay để nuôi hai người điên trong nhà.
Bác sĩ là... diễn viên
Theo điều dưỡng N.T.M., chăm sóc sức khỏe cho những bệnh nhân tâm thần gặp nhiều khó khăn vì người bệnh mất ý thức, không kiểm soát được hành vi của mình. Mỗi người bệnh mang một "câu chuyện" mà các bác sĩ chữa bệnh không chỉ bằng những viên thuốc mà còn bằng liệu pháp tâm lý để chữa lành căn bệnh trong tâm hồn bệnh nhân. Điều này đòi hỏi người thầy thuốc phải tận tâm với nghề. Những bệnh nhân tâm thần lúc tỉnh, lúc mê và có thể “lên cơn” bất cứ lúc nào. Họ dễ xúc động, nóng nảy và rất manh động. Bởi thế, chuyện điều dưỡng, bác sĩ bị bệnh nhân đánh, chửi không có gì lạ.
Còn nhớ, lúc bệnh nhân T.M.Q. nhập viện luôn có thái độ chống đối, la hét thâm chí còn đánh cả bác sĩ. Bệnh nhân không tin vào những người chữa trị mà nghi ngờ đang làm hại mình nên luôn vùng vẫy, chống đối. Miệng lúc nào cũng lảm nhảm những câu từ phản kháng... Những lúc này, bác sĩ phải phát huy vai trò là "diễn viên", làm tốt "vai diễn" của mình để xâm nhập vào "thế giới ảo" của Q. nắm rõ được tâm tư, lắng nghe "câu chuyện" của bệnh nhân. Mặc dù nỗi niềm bày tỏ của Q. thực sự vô lý, rời rạc, nhưng bác sĩ vẫn cố gắng lắng nghe để tạo sự tin tưởng, cảm giác an toàn, sau đó Q. mới nghe lời uống thuốc, cùng hợp tác điều trị.
Điều dưỡng viên kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk. |
“Mỗi lần mở khóa bước vào phòng bệnh phát thuốc, thăm khám... khi đi lại mắt và tai tôi luôn hoạt động tối đa. Chỉ cần nghe thấy tiếng chân gấp gáp, hay thình thịch chạy lại là tôi phản ứng né ngay kẻo "trúng đòn". Bởi tôi đã không ít lần bị nhiều bệnh nhân lên cơn giật tóc, cào mặt hay tấn công bất ngờ. Mặc dù vậy nhưng chúng tôi vẫn luôn kiên trì, nhẫn nại chăm sóc bệnh nhận bởi “dứt cơn”, họ lại hiền như cục đất và sống rất tình cảm”, điều dưỡng M. tâm sự thêm.
Có thể nói đối với những bệnh nhân tâm thần, họ cảm nhận được cuộc sống trôi qua từ một lăng kính khác. Đó là một thế giới với những cõi riêng sâu lắng ít ai hiểu được. Chính những y bác sĩ với tấm lòng tận tụy, đồng cảm với những câu chuyện, hoàn cảnh của người bệnh mới giúp thức tỉnh họ trở về với cuộc sống bình thường.
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc