Multimedia Đọc Báo in

Để trẻ tránh xa những suy nghĩ tiêu cực

08:04, 09/05/2022

Ảnh huởng của dịch bệnh COVID-19 khiến trẻ em ít có cơ hội ra ngoài, thay vào đó, thời gian tiếp xúc với máy tính, không gian mạng nhiều hơn. Đây là phương tiện có sức hấp dẫn lớn với lưu lượng thông tin đồ sộ, giúp các em dễ dàng khám phá thế giới. Tuy nhiên, khó tránh khỏi việc trẻ tiếp xúc với thông tin độc hại, ảnh hưởng xấu đến tâm lý và quá trình phát triển.

Con tôi, đứa trẻ học lớp 3, một ngày bị phê bình vì chưa ngoan. Buổi tối, nó nằm thu mình trên giường và buông câu: “Con chán sống”. Câu nói thản nhiên của đứa trẻ 9 tuổi khiến người làm mẹ như tôi không khỏi bàng hoàng.

Từ khi có con, tôi bắt đầu hành trình làm mẹ. Tôi mặc nhiên cho mình quyền hạn quá lớn mà áp đặt suy nghĩ của mình lên con trẻ. Tôi tìm lớp học tiếng Anh chuẩn nhất, thầy dạy đàn, cô dạy vẽ giỏi nhất cho con mà không cần xem xét liệu con có thích không. Đã không ít lần, tôi la mắng, thậm chí đánh con vài roi khi con không nghe lời, thay vì giải thích cho con hiểu và làm gương để con noi theo. Vì không kiềm chế được cơn giận của mình nên tôi cũng đâu biết rằng, tính cách của con trẻ chịu sự ảnh hưởng bởi cách cư xử và hành động của bậc làm cha, làm mẹ. Lúc cơn giận nguôi ngoai, tôi giật mình, là do chính tôi ngay từ đầu đã không điều chỉnh được cảm xúc của mình. Khi con mắc sai lầm, nếu như tôi giữ được bình tĩnh, lắng nghe và làm bạn với con thì con đã mạnh dạn chia sẻ, thổ lộ để tôi có cơ hội hiểu con hơn. Ngược lại, chính sự nóng nảy của người mẹ như tôi khiến trẻ cảm thấy bị tách biệt và giấu trong lòng, không dám chia sẻ, từ đó dễ trượt dài trong suy nghĩ. Sự áp đặt của tôi đến một ngày đã tạo ra phản kháng của đứa trẻ. Con trở nên dần xa cách với tôi và tạo khoảng cách. Càng ngày, tôi càng khó nắm bắt được tâm tư, suy nghĩ của con mình...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc sống vốn muôn màu và cũng ẩn chứa nhiều rủi ro trong khi con trẻ chưa đủ kỹ năng, nhận thức để hiểu và giải quyết vấn đề như người lớn. Khi gặp vấn đề bất ổn trong cuộc sống mà không có được sự quan tâm đúng lúc, định hướng để giải quyết vấn đề vướng mắc, trẻ thường dễ có những suy nghĩ tiêu cực. Khi rơi vào bế tắc, nếu không được hóa giải kịp thời dễ dẫn đến những hành vi mất kiểm soát, thậm chí xem cái chết như là cách duy nhất để giải thoát khỏi những khó khăn trong cuộc sống, áp lực do học tập.

Các vụ tự tử ở tuổi vị thành niên xảy ra gần đây thức tỉnh nhiều bậc làm cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con cái nhiều hơn để giúp trẻ thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Càng nghĩ tôi càng chạnh lòng nhận ra: kỹ năng làm cha mẹ cũng cần phải học. Phải có sự chuẩn mực từ phía gia đình, mà trước hết là những bậc cha mẹ để kiểm soát những rủi ro có thể tác động xấu đến con cái. Người làm cha mẹ phải thường xuyên chia sẻ, chuyện trò, nhắc nhở để con mình nhận ra đúng - sai, phải - trái để tránh. Riêng đối với mạng xã hội, tôi hiểu, mình cần theo sát con để định hướng cho trẻ sử dụng đúng cách. Các bậc cha mẹ không nên áp đặt mà nên làm một người bạn tốt của con. Khi được quan tâm, thấu hiểu, trẻ sẽ dễ dàng bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình với những người thân trong gia đình, từ đó tránh được những điều đáng tiếc xảy ra.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.