Cuốn sổ, cây bút và chiếc điện thoại
Tôi ra trường, đi làm, gắn bó với nghề báo cũng được gần 20 năm - khoảng thời gian chưa phải quá dài, nhưng cũng không phải ngắn, đủ để chứng kiến sự thay đổi, phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của hoạt động báo chí sang xu hướng chuyển đổi số, truyền thông hiện đại.
Còn nhớ, thuở mới chập chững vào nghề, lúc ấy đối với phóng viên - dù viết cho loại hình báo chí nào - thì cuốn sổ, cây bút là “vật bất ly thân” khi tác nghiệp. Điện thoại di động chưa có nhiều tính năng, chủ yếu chỉ để nghe - gọi và nhắn tin. Máy vi tính đã có thể kết nối mạng Internet, tuy nhiên theo kiểu quay số “dial-up” nên tín hiệu, đường truyền rất chậm. Lúc bấy giờ cơ quan cũng đã có máy fax, máy in kim để phóng viên in bản thảo tin, bài để nộp; đặc biệt hơn cả là vẫn còn một chiếc máy đánh chữ được sử dụng mà mỗi lần gõ chữ là lại nghe tiếng lách cách vang lên.
Sau này, chúng tôi vẫn nói đùa với nhau gọi đó là thời “chuyển giao” giữa cũ và mới. Bởi, thế hệ trước chúng tôi chưa xa, mọi phương tiện để làm báo vẫn còn thô sơ lắm. Trong các câu chuyện của các bậc cha, chú - những người đồng nghiệp đi trước thường hay kể, thì chuyện đạp xe xuống cơ sở cách vài ba chục cây số để tác nghiệp là điều bình thường. Điện thoại cố định là phương tiện duy nhất cho phóng viên khi muốn trao đổi thông tin với người ở xa, nhưng không phải ai cũng có và cước phí cũng không hề rẻ. Giao thông đi lại khó khăn; chưa có máy vi tính nên bài vở phải viết tay và gửi về tòa soạn thường qua đường tem - thư của bưu điện…
Phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tác nghiệp. |
Có lẽ, giờ đây cuốn sổ và cây bút trở thành đồ nghề “truyền thống”, chỉ còn hiện hữu trong hành trang của số ít nhà báo. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã dần thay đổi phương thức tác nghiệp, khai thác thông tin của phóng viên. Bên cạnh các công cụ tác nghiệp chuyên dụng hiện đại, chiếc điện thoại thông minh trở thành vật dụng thiết yếu, không thể thiếu của người làm báo. Với các tiện ích được tích hợp, một chiếc điện thoại thông minh có thể thay thế các công cụ tác nghiệp của một nhà báo như: máy ảnh, máy quay, máy ghi âm hay cuốn sổ, cây bút. Chiếc điện thoại ngày càng có nhiều tính năng ưu việt, hỗ trợ tốt hơn trong việc làm báo, đặc biệt phải kể đến việc xử lý các thao tác nghiệp vụ, hoàn thành tác phẩm với khả năng làm việc đa dạng từ tin văn bản, hình ảnh đến video… và chuyển về tòa soạn, hoặc thậm chí cả công tác xuất bản tin, bài một cách nhanh chóng, kịp thời. Khi ấy, chiếc điện thoại thông minh đã được người làm báo sử dụng như một “tòa soạn thu nhỏ”.
Để sử dụng thành thạo, phát huy tối đa công dụng của công cụ tác nghiệp hiện đại này, đòi hỏi người làm báo phải liên tục trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn. Đã có không ít phóng viên một mình đảm nhiệm công việc “2 trong 1”, “3 trong 1”, thậm chí là “4 trong 1”. Thay vì chỉ chụp ảnh, quay phim, viết tin, bài, phóng viên còn kiêm luôn việc đọc, dựng thô, hoặc thành phẩm. Nhờ cách làm này, cùng một sự kiện, một phóng viên có thể triển khai ra nhiều sản phẩm với các loại hình báo chí khác nhau… Đó cũng là xu hướng chung trong cách tác nghiệp của phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí hiện nay. Chính từ sự đa năng của phóng viên như thế mới có thể cùng cơ quan báo chí cung cấp thông tin nhanh nhạy, chính xác đến với độc giả, khán, thính giả.
Và dĩ nhiên, công cụ chỉ là phương tiện hỗ trợ, còn con người sử dụng công cụ ấy mới là yếu tố quan trọng nhất. Dù cho trước đây, hôm nay hay mai sau cũng vậy, người làm báo phải có tâm, có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Sự tâm huyết, nhiệt tình, bản lĩnh, sẵn sàng dấn thân cùng cách nhìn nhận thấu đáo và trái tim rung cảm sẽ mãi luôn là hành trang quan trọng của mỗi nhà báo…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc