Multimedia Đọc Báo in

Phát triển ngành thư viện phù hợp trong hợp bối cảnh mới

08:06, 27/06/2022

Nhằm góp phần chấn hưng văn hóa đọc trong cộng đồng, nâng cao tri thức cho người dân, Chính phủ đã có những chính sách để hỗ trợ ngành thư viện phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để phát huy “bệ đỡ” chính sách một cách hiệu quả, đòi hỏi sự hỗ trợ, tương tác đa chiều.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Năm 2019, Luật Thư viện được Quốc hội ban hành. Ngày 11/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030"...

Các cơ chế, chính sách về ngành thư viện dần được hình thành, hoàn thiện theo thời gian; cùng với đó là những định hướng cụ thể để ngành phát triển thích ứng với bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng. Đó là đẩy mạnh số hóa hoạt động thư viện, chú trọng công tác xã hội hóa, khơi thông văn hóa đọc...

Đây là một trong những hành lang pháp lý, là đòn bẩy để ngành thư viện phát triển trong tương lai, góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên tri thức của nhân loại phục vụ nhân dân.

Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, TP. Buôn Ma Thuột đọc sách tại thư viện trường.

Trong Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 - 2024 do Liên hiệp Thư viện Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào giữa tháng 6 vừa qua, các đại biểu đã thảo luận về hướng phát triển của thư viện trong tương lai. Ông Võ Văn Nhiếng, Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định khẳng định, với cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý rõ ràng, vai trò, vị trí của cán bộ, nhân viên và ngành thư viện đã được củng cố, nâng cao so với trước đó. Đây là đòn bẩy để ngành thư viện phát triển trong tương lai. Cùng với đó, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa và được xem như là “Việt Nam thu nhỏ” nên nguồn tư liệu đưa vào ngành thư viện rất đa dạng.

 

“Chuyển đổi số là cơ hội để ngành thư viện bứt phá. Tuy nhiên, việc khai thác dữ liệu, tài nguyên được số hóa cũng cần lưu ý đến vấn đề bản quyền để ngành thư viện phát triển hiệu quả, bền vững, bảo đảm quyền lợi của các bên liên quan” - Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện quốc gia.

Để khai thác có hiệu quả các chính sách và nguồn tư liệu đó, ngành thư viện phải có sự kết nối, hỗ trợ, tương tác đa chiều, nhiều ngành nghề, nhiều địa phương với nhau. Trước tiên, dựa vào sự kết nối của Liên hiệp Thư viện khu vực, thư viện các tỉnh, thành phố cần phải thu thập tài liệu để khai thác và phục vụ người dân địa phương. Đặc biệt là khai thác có hiệu quả tài liệu địa chí sẵn có để bạn đọc có cơ hội tiếp cận, sử dụng cho công tác nghiên cứu, phát triển riêng của mỗi ngành, nghề. Tiếp đến là dựa trên các cơ chế, chính sách mới để tổ chức thêm những hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm chuyên sâu liên quan đến hoạt động của ngành; ưu tiên cho các cán bộ, nhân viên tham gia các hoạt động giao lưu chuyên sâu để họ học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng phục vụ bạn đọc…

Chủ động thực hiện

Các chính sách đã có hiệu lực từ thời điểm ban hành, tuy nhiên hiện nay nhiều đơn vị vẫn đang “chậm” trong việc đưa chính sách vào cuộc sống. Bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cho rằng, văn hóa đọc chưa phát triển mạnh và nguồn thu nhập của cán bộ, nhân viên thư viện còn thấp là một trong những rào cản trong phát triển nguồn nhân lực, tài nguyên cho thư viện. Song song với phát triển thư viện truyền thống, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng đã đẩy mạnh số hóa hoạt động thư viện; phối hợp với doanh nghiệp, nhà xuất bản, trung tâm ngoại ngữ, các trường đại học… để tìm hiểu cách thức khai thác tài liệu, phong thái phục vụ bạn đọc.

Học sinh huyện Ea H'leo tham gia Chương trình “Sách và tuổi trẻ học đường” tại Trường THPT Võ Văn Kiệt.

Ông Lê Kim Quang, Giám đốc Thư viện tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, từ thực tiễn triển khai “Chuyến xe tri thức” trong thời gian qua cho thấy, sách có sức hút lớn đối với người dân, đặc biệt là học sinh. Do đó, thời gian tới các thư viện cần tăng cường công tác phục vụ lưu động để đưa sách đến với trẻ em khó khăn, học sinh vùng sâu, vùng xa, giúp các em có cơ hội được tiếp cận với sách.

Để phát huy vai trò của thư viện trong thời kỳ mới, theo ông La Đình Nghĩa, Chủ tịch Liên hiệp Thư viện Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thời gian tới Liên hiệp tiếp tục kết nối với hệ thống thư viện Việt Nam để đẩy mạnh chuyển đổi số; chia sẻ cách thức khai thác tài nguyên số, dữ liệu số và đưa nguồn tài nguyên đó phục vụ bạn đọc hiệu quả. Chú trọng công tác tổ chức hoạt động tại chỗ, ngoài thư viện phục vụ bạn đọc; xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu địa chí...

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.