Multimedia Đọc Báo in

Đến chùa đọc sách

08:21, 16/06/2022

Việc đọc sách ở chùa không còn xa lạ với nhiều phật tử. Nhiều ngôi chùa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã xây dựng những thư viện ngay trong chùa, tạo không gian đọc cho người yêu sách.

Ngay tại hội trường rộng và thoáng mát của chùa Hoa Lâm (phường Tân Lập) được nhà chùa kê rất nhiều tủ sách với hơn 1.000 đầu sách đủ các thể loại từ sách Giáo lý nhà Phật, đến sách về văn hóa Tây Nguyên, sách kỹ năng sống…

Đại đức Thích Hải Định, Trụ trì chùa Hoa Lâm tâm sự: “Sách là nguồn tri thức vô tận, việc đọc sách là thói quen tốt, ngày nay có nhiều hình thức đọc sách, nhưng nhiều người vẫn yêu thích việc đọc sách giấy vì đem lại cảm xúc cho họ nhiều hơn là đọc qua màn hình. Mùi của giấy, âm thanh lật giở từng trang sách, hay việc đánh dấu, ghi chú lại những đoạn tâm đắc… sẽ mang lại cảm xúc, để lại ký ức mà không thiết bị nào làm được. Chính vì lẽ đó nên nhà chùa đã duy trì việc phát triển các tủ sách, đẩy mạnh hoạt động đọc sách và trao đổi sách giữa nhà chùa với các đơn vị tặng sách, phật tử, chư tăng trong chùa”.

Đại đức Thích Hải Định (bên trái) thường xuyên tìm các nguồn sách để làm phong phú cho thư viện chùa Hoa Lâm.

Để phục vụ cho hoạt động giảng dạy giáo lý và tạo không gian lưu trữ sách vở cho phật tử, chùa Sắc Tứ Khải Đoan (phường Thắng Lợi) đã xây dựng một thư viện ngay trong khuôn viên của chùa. Sách ở thư viện có rất nhiều, từ những quyển sách răn dạy phật tử làm việc thiện đến những cuốn kinh Phật. Thư viện còn có riêng một mảng sách Phật học phục vụ nhu cầu của phật tử và những người hay đi lễ chùa, phần nhiều là sách giới thiệu cơ bản về đạo Phật, việc lễ chùa, tu dưỡng tâm linh... Tất cả nguồn sách của thư viện có được từ sự quyên góp và ủng hộ của bạn bè, những nhà hảo tâm, phật tử từ nhiều nơi trên khắp cả nước. 

Ngoài hoạt động đọc sách, nhà chùa còn tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa nhằm kích thích sự yêu thích đọc sách và đề cao vai trò của sách đối với chư tăng trong chùa và phật tử bốn phương. Nhiều chương trình đã thu hút được đông đảo học sinh và phật tử tham gia như chương trình “Chiều chủ nhật ý nghĩa” với hoạt động học giáo lý và tham gia sinh hoạt kỹ năng sống dành cho các học sinh tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan.

Du khách đến đọc sách tại Thư viện chùa Sắc Tứ Khải Đoan TP. Buôn Ma Thuột.

Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) thường xuyên cùng hai con đến thư viện chùa Sắc Tứ Khải Đoan để đọc sách. Chị Nhung chia sẻ: “Tôi luôn hướng các con đến việc sống lương thiện và từ bi, chính vì thế, khi nhà chùa xây dựng thư viện, ngoài việc lên chùa cầu an, tôi cùng các con đều nán lại để đọc sách. Ở đây có những cuốn sách hay về giáo dục đạo hiếu và răn dạy phật tử làm việc thiện rất phù hợp với giới trẻ. Không gian chùa thì tĩnh lặng, mát mẻ giúp việc đọc sách vô cùng thoải mái, dễ chịu”.

Thầy Hải Nguyện, quản lý thư viện chùa Sắc Tứ Khải Đoan chia sẻ rằng, chỉ cần mỗi ngày đọc một trang sách, hiểu được những điều trong trang sách đó thì sẽ thấy cuộc đời đơn giản hơn là mình nghĩ. Những cuốn sách tại thư viện chùa Sắc Tứ Khải Đoan tuy hơi kén người đọc nhưng nếu bạn có niềm tin, tình yêu với sách và có tâm hồn hướng thiện thì bạn sẽ thấy thích. Nhà chùa tiếp tục mở rộng thư viện, thêm nhiều thể loại sách để các phật tử và bá tánh gần xa đến chùa không chỉ tụng kinh niệm phật, vãn cảnh chùa mà còn có cơ hội trau dồi tri thức, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng..

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.