Đừng im lặng, hãy lên tiếng!
Đánh giá tổng kết sau hơn 10 năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã chỉ ra thực tế: tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn diễn ra trên địa bàn. Một trong những lý do được đưa ra là do vẫn còn nhiều người chỉ biết im lặng, không dám lên tiếng khi mua phải hàng hóa kém chất lượng.
Đặc biệt, trong hai năm dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và bùng phát trên toàn cầu, hình thức kinh doanh mới - kinh doanh trực tuyến trên nền tảng thương mại điện tử phát triển, tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng càng có xu hướng gia tăng hơn. Năm 2021, ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 580 vụ vi phạm về sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, vận chuyển trái phép lâm sản, xử phạt hành chính hơn 4,2 tỷ đồng; giá trị hàng hóa tịch thu, thanh lý hơn 715 triệu đồng. Trong khi đó, cả năm 2021, Văn phòng Tư vấn giải quyết khiếu nại (thuộc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh) chỉ tiếp nhận, giải quyết và tư vấn giải quyết 3 vụ khiếu nại của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa và dịch vụ với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ hơn 12 triệu đồng.
Trên thực tế, số vụ việc xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể cao hơn rất nhiều lần, nhưng nhiều người đã không lên tiếng, tìm đến cơ quan liên quan để đòi quyền lợi chính đáng cho mình vì họ ngại va chạm nên cứ im lặng cho qua, dù ấm ức. Chính thái độ thiếu tích cực của một bộ phận người tiêu dùng đã làm gia tăng các hành vi vi phạm trong kinh doanh. Trong khi đó, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các địa phương chính là một chỗ dựa vững chắc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi quyền và lợi ích bị xâm hại.
Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh giải quyết vụ khiếu nại của người tiêu dùng. Ảnh: Đ.Lan |
Lên án với hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, người ta thường nghĩ đến việc đòi công bằng cho chính bản thân mình. Thế nhưng, sâu xa hơn, đó là vì môi trường kinh doanh lành mạnh hơn. Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, một bộ phận người tiêu dùng chưa thẳng thắn đấu tranh với những hành vi sai trái của các cơ sở, tổ chức kinh doanh vi phạm, họ chưa thực sự thấy được tầm quan trọng và sức mạnh của mình trong việc góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, hạn chế các hành vi sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh.
Vậy nên, lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm không chỉ là vấn đề riêng của mỗi người tiêu dùng mà là vấn đề của cộng đồng xã hội. Im lặng tức là đồng nghĩa với việc dung túng cho sai trái, và thờ ơ với trách nhiệm, quyền lợi của chính mình; im lặng cũng tức là đồng lõa với cái xấu, để chúng ngang nhiên tồn tại và trở thành nguy cơ hiện hữu cho cả cộng đồng. Do đó, đã đến lúc mỗi người cần mạnh dạn đấu tranh, mạnh dạn lên tiếng. Cần phải thấy rằng, một trong những nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm, gian lận thương mại vẫn còn tồn tại trên thị trường bắt nguồn từ chính sự im lặng, thái độ chấp nhận của người bị xâm phạm quyền lợi.
Trong cuộc sống, có nhiều hoàn cảnh mà sự im lặng chính là giải pháp tốt nhất. Nhưng với các hành vi cố tình gian lận kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng gian để vụ lợi thì đừng im lặng, hãy lên tiếng. Chúng ta mạnh dạn lên tiếng còn để bảo vệ những doanh nghiệp đang cung ứng những sản phẩm, hàng hóa chất lượng, có trách nhiệm với cộng đồng. Mạnh dạn lên tiếng để cùng chung quyết tâm đấu tranh với các hành vi gian lận trong kinh doanh. Cùng với Luật Bảo vệ người tiêu dùng, việc lên tiếng của mỗi người tiêu dùng chính là tạo ra “lá chắn” để bảo vệ, mang lại môi trường lành mạnh cho hoạt động kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc