Multimedia Đọc Báo in

“Kỳ nghỉ hồng” ý nghĩa

07:56, 30/06/2022

Là một trong 5 nội dung lớn của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2022, “Kỳ nghỉ hồng” trong đoàn viên thanh niên khối công chức, viên chức, người lao động và doanh nhân trẻ đã góp phần làm nên một mùa hè tình nguyện sôi nổi, ý nghĩa với nhiều phần việc, công trình mới...

Lấy chuyên môn làm tình nguyện

Ngày thứ bảy của trung tuần tháng 6, khuôn viên Nhà cộng đồng buôn Trắp, xã Ea H'đing (huyện Cư M’gar) dường như trở nên náo nhiệt hơn khi có sự xuất hiện của các bạn đoàn viên thanh niên của Đoàn cơ sở Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Tại đây, các bạn trẻ đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho chương trình Ngày thứ bảy tình nguyện với nội dung "Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết và tuyên truyền phòng, chống một số dịch bệnh truyền nhiễm".

Đoàn viên thanh niên Đoàn cơ sở Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho người dân xã Ea H'đing, huyện Cư M'gar

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các đoàn viên đã thực hiện phun hóa chất diệt côn trùng; tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về bệnh sốt xuất huyết và huy động cộng đồng tham gia phát hiện, loại bỏ ổ lăng quăng/bọ gậy như: Dọn vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm; thau rửa chum, vại hằng tuần; đập vỡ, thu gom và loại bỏ các vật dụng phế thải có thể chứa đọng nước; chọc thủng hoặc đổ dầu nhớt vào các lốp xe cũ; thường xuyên thay nước lọ cắm hoa... nhằm làm giảm nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh.

Anh Nguyễn Vũ Thuận, Bí thư Đoàn cơ sở Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên chia sẻ: “Ngày thứ bảy tình nguyện với các hoạt động hướng về cộng đồng là hoạt động thường xuyên của đơn vị. Hiện tại, số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh nên trong hoạt động lần này, chúng tôi mong muốn vận dụng công tác chuyên môn của đơn vị để góp sức cùng địa phương trong việc chủ động phòng, chống dịch, nâng cao ý thức phòng, chống bệnh cho người dân, để hạn chế thấp nhất số ca mắc và số ca tử vong do sốt xuất huyết”.

Với Đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, khởi động Chiến dịch "Kỳ nghỉ hồng" năm nay, đơn vị đã tổ chức chương trình với tên gọi "Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững", qua đó cấp phát cây giống cà phê tái canh, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, tập huấn hướng dẫn cài đặt và sử dụng phần mềm nhật ký nông hộ thích ứng với công cuộc cách mạng công nghiệp chuyển đổi số 4.0 cho các hộ nông dân liên kết phát triển nông nghiệp bền vững với công ty. Chương trình được đơn vị tổ chức từ ngày 15 đến 24/6, chia làm 5 đợt, qua đó cấp phát 50.000 cây giống cho 500 hộ nông dân trên địa bàn các huyện Krông Năng, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ.

Đại diện các đơn vị tham gia khởi công xây dựng nhà Nhân ái cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Krông Nô, huyện Lắk.

Thiết thực những hoạt động

 

Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” năm 2022 diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 31/8 với các nội dung được đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, bám sát tình hình thực tế địa bàn, qua đó lan tỏa những hành động đẹp, việc làm ý nghĩa đến với cộng đồng.

Chiến dịch "Kỳ nghỉ hồng" được phát động nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc vận dụng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ tham gia các hoạt động công tác xã hội, phục vụ cộng đồng. Nét riêng của của chiến dịch là thành lập các đội hình tình nguyện có chuyên môn cao, đến từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thực hiện các nhiệm vụ tình nguyện hỗ trợ người dân.

Theo đó, ngay sau lễ phát động chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2022, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã triển khai Chiến dịch “Kỳ nghỉ hồng” đến các đơn vị đoàn thanh niên khối công chức, viên chức, công nhân, doanh nhân trẻ tại các huyện, thị, thành Đoàn và Đoàn trực thuộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Để triển khai có hiệu quả chiến dịch, các đơn vị đều đã thành lập đội hình tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng”, thu hút trên 2.000 đoàn viên thanh niên tham gia. Các hoạt động chủ yếu tập trung vào các nội dung như: Bảo vệ môi trường, tu sửa, giữ gìn cảnh quan cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xanh - sạch - đẹp; tổ chức “Ngày thứ bảy tình nguyện” giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, tập trung trong các lĩnh vực được quan tâm, như: bảo hiểm xã hội, đất đai, y tế, thuế, hải quan; tổ chức các đội hình “Chuyển đổi số cộng đồng” tư vấn, tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp, hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương; tập trung tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các hoạt động an sinh xã hội; tuyên truyền về xây dựng Chính phủ điện tử và tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, các thủ tục hành chính cho nhân dân.

Đoàn viên thanh niên Đoàn Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh tham gia trồng cây xanh cảnh quan tại xã Krông Nô, huyện Lắk.

Bên cạnh đó, trong chiến dịch năm nay, các đơn vị sẽ tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp với các nội dung như rà soát, đánh giá tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đến đối tượng thanh niên khởi nghiệp; tham mưu đề xuất với chính quyền các giải pháp, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tái khởi nghiệp do tác động của dịch bệnh; tư vấn kiến thức, pháp lý, hỗ trợ vốn, tạo kênh kết nối đến các nhà đầu tư.

Sau 4 tuần ra quân, đoàn thanh niên các đơn vị đã tổ chức thực hiện được hàng trăm công trình, phần việc ý nghĩa cho cộng đồng. Chị Phạm Minh Tuệ, Bí thư Đoàn Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh cho hay, dù mới bước vào những tuần đầu nhưng Chiến dịch “Kỳ nghỉ hồng” đã và đang phát huy tốt mọi tiềm năng của lực lượng, là môi trường để phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của cán bộ, đoàn viên thanh niên Đoàn Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh thông qua việc triển khai thực hiện các công trình, phần việc thanh niên thiết thực, ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.