Lắng nghe công nhân lao động nói
Mới đây, trong chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động, nhiều ý kiến, tâm tư, nguyện vọng liên quan đến việc làm, đời sống của các đoàn viên, công nhân lao động đã được người đứng đầu Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết.
Với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”, buổi đối thoại của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan với 4.500 công nhân tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang và 62 điểm cầu khác trên cả nước đã giúp đoàn viên, người lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị và đề xuất nhiều vấn đề đang là mối quan tâm chung ở các đơn vị, địa phương. Trong đó, nhóm vấn đề được công nhân quan tâm và đặt nhiều câu hỏi nhất là nhu cầu bức thiết về nhà ở, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) và các chính sách hỗ trợ đời sống công nhân.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo tới đời sống và công việc của công nhân, giải quyết vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đồng thời bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông đối với những mất mát, khó khăn, vất vả mà công nhân, người lao động phải chịu đựng trong hơn hai năm qua do dịch COVID-19. Chính phủ sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ sớm vượt qua những khó khăn, trở lại lao động, làm việc, ổn định đời sống.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP. Buôn Ma Thuột tặng quà công nhân vệ sinh môi trường có hoàn cảnh khó khăn. |
Tại buổi đối thoại, các công nhân lao động đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ rất quan tâm thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân. Giai đoạn này cả nước đầu tư 73 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó nhà ở công nhân có 122 dự án. Tuy nhiên con số này chỉ đáp ứng 49% nhu cầu nhà ở công nhân trên cả nước. Thời gian qua, Thủ tướng, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt triển khai các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy đầu tư như sửa đổi các nghị định liên quan…
“Chúng ta luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng ý kiến, đặc biệt của người lao động. Trên cơ sở đó, chúng ta hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện, tất cả vì mục tiêu hạnh phúc, ấm no của nhân dân; trong đó có công nhân, người lao động. Việc lắng nghe, đối thoại, chia sẻ để hiểu nhau và cùng trách nhiệm lo toan; đây cũng là trách nhiệm chung của bộ, ngành, địa phương, các chủ thể có liên quan” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. |
Về các chính sách hỗ trợ công nhân lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, hai năm qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc chỉ đạo ban hành các chính sách liên quan đến người lao động và người yếu thế.
Trong đó có nhiều chính sách chưa có tiền lệ, ban hành sớm nhất và triển khai hiệu quả nhất. Đó là Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Tổng kết hai nghị quyết này đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng với tổng số tiền 81.000 tỷ đồng. Riêng về chính sách hỗ trợ nhà ở, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 là một trong những chính sách được triển khai nhanh nhất, sớm nhất.
Hiện nay chỉ có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên và Lai Châu, còn lại 61 tỉnh, thành phố đã tổng hợp xong danh sách, bắt đầu triển khai hỗ trợ. Theo dự kiến có khoảng 3,4 triệu lượt người sẽ được hỗ trợ. Bộ LĐ-TB&XH đã cùng Bộ Tài chính thống nhất và sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, sẽ xin ý kiến Quốc hội cho phép ứng 70% kinh phí này để tất cả các địa phương triển khai, bảo đảm đến ngày 15/8 theo đúng quy định sẽ kết thúc chính sách này với kết quả tốt nhất.
Một vấn đề nữa được đông đảo công nhân lao động quan tâm là Luật BHXH còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi họ mới 40 - 45 tuổi. Do đó, nhiều anh chị em công nhân lao động vì cuộc sống quá khó khăn và thời gian đóng quá dài nên buộc phải rút BHXH.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, sửa đổi Luật BHXH phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay, Bộ đã tiếp thu, tổng hợp 11 nhóm chính sách để đổi mới, theo hướng phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, có nhóm chính sách về giảm dần thời gian đóng BHXH để người lao động theo được quá trình đóng BHXH. Dự kiến thời gian đóng BHXH rút xuống còn 15 năm (trước đây là 20 năm) và tiến tới còn đóng BHXH 10 năm.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh tặng quà cho công nhân Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk (Cụm Công nghiệp Tân An) nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022. Ảnh: Nguyễn Xuân |
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để chuẩn bị cho chương trình đối thoại này, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn lấy ý kiến, tổng hợp đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, người lao động cả nước. Kết quả, Tổng Liên đoàn đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đoàn viên công đoàn và công nhân lao động cả nước đối với 126 vấn đề gửi đến người đứng đầu Chính phủ. Qua tổng hợp, các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất tập trung chủ yếu xoay quanh 10 nhóm vấn đề lớn: tăng lương tối thiểu; sửa đổi chính sách BHXH để người lao động không rút BHXH một lần; giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ cho người lao động; vấn đề nhà ở, trường học, thiết chế Công đoàn; chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân và người lao động để hạn chế "tín dụng đen"; chính sách đào tạo nghề cho công nhân - lao động; xử lý những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về các chế độ đối với người lao động; nơi khám chữa bệnh; an toàn thực phẩm; chợ cung cấp nhu cầu thiết yếu cho công nhân - lao động.
Có thể nói, Chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động không chỉ thuần túy giải quyết những vấn đề cụ thể, mà còn là định hướng để hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với công nhân lao động và tổ chức công đoàn. Được biết, sau 5 lần Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động (từ năm 2016 đến năm 2020), nhiều tâm tư, nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động đã được người đứng đầu Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp ban hành những cơ chế, chính sách, giúp công nhân lao động đảm bảo sức khỏe, ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc