Multimedia Đọc Báo in

“Mẹ đỡ đầu” cùng góp sức chăm lo cho trẻ mồ côi

08:15, 08/06/2022

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động đang được lan tỏa trên địa bàn huyện Cư M’gar. Những người mẹ đỡ đầu đang mở rộng vòng tay yêu thương, hỗ trợ chăm sóc và trở thành điểm tựa cho trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương được phát triển toàn diện.

Không như những đứa trẻ khác, Y Suil Ayun (SN 2010) và Y Sét Ayun (SN 2018) lớn lên không có sự bảo bọc của cha mẹ. Khi Y Sét vừa đầy 17 ngày tuổi thì mẹ em mãi ra đi, để lại hai anh em bơ vơ. Bố đi lấy vợ khác, hai anh em sống cùng ông ngoại ở buôn Hra, xã Ea Tul. Đã ngoài 70 tuổi nhưng người ông vẫn tần tảo, kiếm cái ăn qua ngày để nuôi các cháu ăn học. Cuộc sống vốn khó khăn lại càng thêm khó.

Chị H’Hương Niê, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tul dạy cháu Y Suil Ayun học bài.

Trước hoàn cảnh của các em, Hội LHPN xã Ea Tul đã nhận đỡ đầu, cùng góp sức lo cho hai em. Để có kinh phí lo cho các em, Hội đã vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn. Những ngày lễ, Tết và hằng tháng, Hội cử người đến thăm nom, tặng quà bánh, nắm bắt tình hình sức khỏe, việc học tập của các em. Chị H’Hương Niê, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tul cho biết, hoàn cảnh của hai em nhiều năm trước là địa chỉ nhân đạo để Hội thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ để các em vươn lên trong cuộc sống. Từ khi có mô hình “Mẹ đỡ đầu”, Hội nhận đỡ đầu để cùng gia đình chăm lo, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và động viên các em vững bước đến trường. Bước đầu, định kỳ mỗi tháng, Hội huy động được 100.000 đồng hỗ trợ cho hai em, ngoài ra còn vận động xin sách giáo khoa, vở viết, đồng phục... để các em đến trường. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hiện tại vẫn còn quá hạn hẹp, Hội sẽ vận động để hỗ trợ các em được nhiều hơn.

 

“Không chỉ là trách nhiệm, tình thương mà những người mẹ đặc biệt của các em còn là chỗ dựa, đồng hành để các em lớn lên, trưởng thành. Thời gian tới, hội sẽ có nhiều hoạt động hơn nữa để hỗ trợ cho các em”.

Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M'gar

Tại xã Ea Kpam, tuổi thơ của hai anh em Lưu Hoàng Anh (SN 2014) và Lưu Nguyễn Hà Vy (SN 2020) cũng chỉ có hơi ấm của bà nội. Mẹ mất khi Hà Vy chưa tròn 7 tháng tuổi, cha em đi làm ăn xa. Hai năm qua, bà Nguyễn Thị Xuân (64 tuổi, bà nội hai em) làm đủ mọi việc, từ nuôi heo, cào hến, hái tiêu, hái cà phê, rửa chén bát thuê... để có tiền lo cho các cháu. Mấy tháng nay, cuộc sống của ba bà cháu có phần đỡ khó khăn hơn khi được Chi hội Phụ nữ thôn 3 (xã Ea Kpam) nhận hỗ trợ chăm sóc hai em theo mô hình “Mẹ đỡ đầu”. “Dù sự hỗ trợ về vật chất chưa nhiều, khi thì tiền mặt, lúc thì mấy cân gạo, lốc sữa, hộp bánh... nhưng quan trọng hơn, các chị em hội viên Chi hội Phụ nữ thôn thường xuyên đến thăm hỏi, theo dõi tình hình sức khỏe, học tập của các cháu. Chúng tôi sẽ cùng gia đình động viên, an ủi các cháu bằng chính tình thương của mình, giúp các cháu có điều kiện học tập hơn”, chị Hồ Thị Hiền, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 3 cho hay.

Theo chị Trần Thị Thuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Kpam, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được Hội triển khai đến nay đã đạt được kết quả bước đầu. Hiện Hội đã kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm sóc nuôi dưỡng 6 cháu nhỏ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương cho tới khi đủ 18 tuổi. Ngoài kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, Hội còn phát triển mô hình “Phụ nữ thu gom phế liệu” trong hội viên để bán gây quỹ tặng quà cho các cháu được "đỡ đầu". 

Những người mẹ đặc biệt ở xã Ea K'pam thăm hỏi hoàn cảnh hai anh em Lưu Hoàng Anh và Lưu Nguyễn Hà Vy.

Chương trình “Mẹ đỡ đầu” được Hội LHPN huyện Cư M’gar triển khai thực hiện từ tháng 3/2022 và đang được lan tỏa tại nhiều địa phương trong huyện. Theo kế hoạch, chương trình “Mẹ đỡ đầu” được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 2022 - 2027 sẽ tập trung hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ mồ côi do tác động của dịch COVID-19, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ mồ côi cha hoặc mẹ đến khi các con đủ 18 tuổi. Tuy nhiên, tùy điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương có thể mở rộng đối tượng hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi nói chung có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc gia đình người chăm sóc thay thế thuộc hộ nghèo, trẻ không có nơi nương tựa, không có người nuôi dưỡng do những nguyên nhân khác...  Từ năm 2028 trở đi, các cấp Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu trẻ em mồ côi do tác động của dịch COVID-19 và các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh  đặc biệt khó khăn đến khi các em đủ 18 tuổi.

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M'gar, đến nay, Hội đã rà soát và kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu cho 85 em là trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh hết sức khó khăn, trong đó có 2 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do COVID-19, 36 em mồ côi cha mẹ, 45 em mồ côi cha hoặc mẹ do những nguyên nhân khác... Đến nay, thông qua chương trình, các cấp Hội cơ sở đã vận động kinh phí xã hội hóa với số tiền, quà hơn 65 triệu đồng nhằm hỗ trợ nuôi dưỡng các em.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.