Multimedia Đọc Báo in

Những y bác sĩ của buôn làng

08:20, 16/06/2022

Khắc phục những khó khăn, thiếu thốn, nhiều y bác sĩ ở huyện M’Drắk vẫn kiên trì bám trụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các buôn làng.

Bác sĩ người Êđê hết lòng vì bà con Ea Trang

Là người dân tộc Êđê sinh ra và lớn lên trên quê hương M'Drắk, sau khi tốt nghiệp ngành Y khoa Trường Đại học Tây Nguyên năm 2000, anh Y Nghin Niê về nhận công tác tại Trạm Y tế xã Ea Trang để thực hiện ước mơ được chăm sóc sức khỏe cho bà con buôn làng.

Hơn ai hết, anh hiểu rằng cuộc sống của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn; vẫn còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu như: phụ nữ mang thai không đến sinh ở trạm y tế mà ở nhà nhờ “bà mụ vườn” đỡ đẻ, cắt rốn; đau ốm, bệnh tật tìm đến thầy cúng đuổi “con ma”; dịch bệnh hoành hành thì phó mặc cho Yàng; thờ ơ với việc tiêm chủng cho trẻ…

Bác sỹ Y Nghin Niê thăm khám sức khỏe cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã.

Bằng những kiến thức đã học và nhiệt huyết tuổi trẻ, bác sĩ Y Nghin không quản ngại đường sá khó khăn, ngày nắng cũng như ngày mưa, kiên trì cùng với đồng nghiệp và đội ngũ cộng tác viên y tế gõ cửa từng nhà vận động người dân từ bỏ hủ tục lạc hậu, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, vận động cha mẹ trẻ đưa con đi tiêm chủng mở rộng đúng định kỳ. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, người uy tín để tuyên truyền nâng cao nhận thức trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Năm 2004, bác sĩ Y Nghin Niê được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea Trang cho đến nay.

Bác sĩ Y Nghin luôn tích cực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và cố gắng áp dụng kỹ thuật tiến bộ trong công tác điều trị người bệnh, kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại; xử trí kịp thời các trường hợp bệnh nhân đến khám, cấp cứu, nhất là các tai biến sản khoa và triệu chứng bất thường khác của phụ nữ mang thai, khi sinh và sau sinh.

Nhờ sự nỗ lực của bác sĩ Y Nghin và đội ngũ nhân viên y tế địa phương, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ở xã Ea Trang đạt nhiều kết quả. Tỷ lệ sinh con thứ ba và tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở địa phương giảm đáng kể.

Đến nay, tỷ lệ sinh con thứ ba chỉ còn 10,16%, giảm gần 10% so với năm 2020; tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt gần 75%; có 95% phụ nữ có thai đến tiêm chủng và khám thai định kỳ; giảm tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên. Đặc biệt, năm 2017 Trạm Y tế xã Ea Trang được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, xã Ea Trang liên tiếp xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng, đỉnh điểm có ngày xã ghi nhận hơn 30 ca F0, 3 ổ dịch trong cộng đồng. Bác sĩ Y Nghin cùng lực lượng nhân viên y tế đã bám trụ, trực chiến 100% quân số tại đơn vị; động viên nhau vượt qua khó khăn để làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc. Nhờ vậy, sau một thời gian ngắn, dịch bệnh COVID-19 được khống chế, địa phương trở về trạng thái bình thường mới.

Y sĩ trẻ người Mông nơi vùng sâu Cư San

Được chia tách từ xã Ea Trang vào năm 2007, Cư San là một trong những xã vùng sâu khó khăn nhất của huyện M’Drắk. Toàn xã hiện có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào (chiếm khoảng 99,8%), việc người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế rất khó khăn, từ đó nhận thức của bà con về phòng, chống dịch bệnh cũng hạn chế.

Anh Vàng Seo Lìn đến tận nhà tiêm vắc xin cho người dân.

Là người dân tộc Mông ở địa phương, y sĩ Vàng Seo Lìn, cán bộ trẻ công tác tại Trạm Y tế xã Cư San hiểu những khó khăn đó hơn ai hết. Vì vậy, ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, anh Lìn còn thường xuyên đến tận nhà hướng dẫn, tuyên truyền cho bà con những kiến thức phòng, chống dịch bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh.

Là người địa phương, am hiểu phong tục tập quán, dễ dàng tiếp cận với bà con nên việc tuyên truyền rất hiệu quả. Anh thường xuyên cập nhật tin tức qua các buổi giao ban y tế xã, tổng hợp kiến thức từ các phương tiện thông tin đại chúng; lập nhóm Zalo cộng tác viên y tế thôn, xây dựng trang Zalo của trạm để cập nhật về tình hình dịch bệnh nói chung và dịch bệnh COVID-19 nói riêng, đây cũng là nơi để người dân phản ánh thông tin liên quan đến dịch bệnh.

Đặc biệt, anh đã sử dụng trang Facebook cá nhân trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, thông tin về lịch tiêm chủng mở rộng bằng cả tiếng Kinh và tiếng Mông. Đây là cách tuyên truyền vô cùng hiệu quả trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua.

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ ở địa phương, anh Vàng Seo Lìn thường xuyên được Trung tâm Y tế huyện điều động tham gia đội tuyên truyền lưu động tại các xã vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Có những ngày anh và các đồng nghiệp phải dắt xe, lội bộ vài cây số để đến nhà dân tiêm vắc xin; rồi lại phải bám cơ sở có khi cả tuần không về qua nhà.

Với sự tâm huyết, tận tụy trong công việc, y sĩ Vàng Seo Lìn đã được các cấp nhiều lần tuyên dương, khen thưởng. Nhưng với anh, niềm vui nhất là nhận thức của bà con trong cộng đồng người Mông về việc chăm sóc sức khỏe đang ngày càng tốt hơn…

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.