Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng đồ nhựa dùng một lần: Cần kiên quyết cấm

17:21, 05/06/2022

Buổi tối cuối tuần trước, tôi dắt con đi uống trà sữa tại một quán gần nhà.

Sau khi gọi món, ngồi chờ một lúc thì chúng tôi nhận được thức uống. Không có gì phải phàn nàn về chất lượng nhưng điều khiến tôi phiền lòng là toàn bộ đồ uống đều đựng trong những chiếc ly nhựa trong có nắp, kèm theo một chiếc ống hút và muỗng nhựa. Tất cả khách hàng đều nhận được một phần như thế, người mua mang về còn được nhận thêm một túi nylon đựng ly. Tôi tự hỏi với lượng khách đông như thế, mỗi ngày quán ấy sẽ thải ra bao nhiêu bao rác toàn đồ nhựa dùng một lần?

Để ý quan sát trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột những năm gần đây có vô số quán trà sữa như thế mọc lên và lượng rác thải nhựa mỗi ngày từ những quán ấy thải ra môi trường là một con số khổng lồ. Không hiểu tại sao những quán trà sữa và cà phê với cơ sở vật chất hoành tráng và lượng nhân viên không nhỏ mà lại phải sử dụng đồ nhựa dùng một lần? Phải chăng vì sự tiện lợi và giá thành quá rẻ của chúng?

Ảnh Internet.
Ảnh Internet.

Không cần những con số thống kê, bằng quan sát và ngẫm nghĩ, chúng ta cũng có thể nhận ra lượng rác thải nhựa thải ra hằng ngày khổng lồ đến mức nào. Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam từng thống kê cho thấy tại Việt Nam trung bình mỗi ngày lượng rác nhựa thải ra môi trường vào khoảng 2.500 tấn, trong đó khối lượng rác nhựa thải ra biển dao động trong khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng rác thải nhựa không chỉ gây gia tăng biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương, mà còn để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe con người.

Tác hại của rác thải nhựa nguy hiểm như thế nào, tôi cho rằng rất nhiều người nhận thức được bởi những điều đó đã được các phương tiện truyền thông nói đến rất nhiều. Song rõ ràng từ nhận thức đến hành động đang có một khoảng cách rất xa. Hãy nhớ lại câu chuyện về phân loại rác thải. Sau những chương trình thí điểm rất rầm rộ, đến nay việc phân loại rác thải cũng vẫn dừng lại ở mức độ khuyến khích, vận động, thuyết phục; song thử quan sát xem có bao nhiêu gia đình đã tiến hành phân loại rác thải tại nhà hay vẫn trộn tất cả chúng lại trong một túi nylon đổ vào cùng một thùng rác?

Tương tự, việc hạn chế rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nylon và những đồ nhựa dùng một lần chủ yếu đang dừng ở mức độ tuyên truyền, vận động ngừng sử dụng, khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế. Và hiệu quả dường như rất hạn chế, bằng chứng là hàng đống bao bì, túi nylon, hộp xốp… vẫn chất đống tại các bãi rác.

Thiết nghĩ, để thu hẹp khoảng cách giữa “nói” và “làm”, “hiểu” và “hành động”, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, còn cần các biện pháp quyết liệt hơn từ phía chính quyền, các cơ quan quản lý. Cụ thể là kiên quyết cấm việc sử dụng túi nylon và đồ nhựa dùng một lần (trước hết có thể áp dụng đối với các vật dụng đựng thực phẩm, túi nylon…); cùng với đó là khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa dùng một lần chuyển sang sản xuất các đồ dùng bằng vật liệu có thời gian phân hủy nhanh, thân thiện hơn với môi trường…

Cấm sử dụng túi nylon, đồ nhựa dùng một lần và kèm theo đó là những chế tài xử phạt nếu vi phạm sẽ giúp mọi người cân nhắc, đắn đo hơn mỗi lần có ý định sử dụng, dần dần sẽ tạo thành thói quen hằng ngày.

Hồng Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.