Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế

08:50, 02/06/2022

Đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã làm thay đổi phương thức sản xuất, giúp phụ nữ huyện Cư M’gar từng bước vươn lên thoát nghèo.

Những năm qua, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cư M'gar đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hoặc tìm kế sinh nhai bằng ngành nghề khác ngoài làm nông để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tại tuyến cơ sở, hội phụ nữ các xã thường xuyên có mặt ở các buôn làng, tìm hiểu nhu cầu của từng hộ khó khăn để có cách hỗ trợ về cây, con giống, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ vậy, nhiều chị em đã tự lực vươn lên, vượt qua khó khăn để có cuộc sống ổn định.

Từ số vốn được hỗ trợ, chị H Lít Niê (buôn Kana B, xã Cư M’gar) đã đầu tư nuôi thỏ, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.

Là hộ cận nghèo được giúp đỡ vay vốn 10 triệu đồng năm 2021 từ Cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số", chị H'Lít Niê (buôn Kana B, xã Cư M’gar) đã đầu tư vào nuôi thỏ và heo. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thực hiện tốt khâu tiêm ngừa, vệ sinh chuồng trại nên đàn vật nuôi của gia đình chị bước đầu đạt hiệu quả tốt. Từ 4 con thỏ và 2 con heo ban đầu, sau gần một năm chăm sóc, hiện trong chuồng đã có 10 con thỏ và 4 con heo thịt.

Cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số" để chuyển đổi phương thức sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Cư M’gar đã mang lại hiệu quả kinh tế tích cực. Nhiều chị em người dân tộc thiểu số đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi, cây trồng phù hợp, tham gia sản xuất, kinh doanh để cải thiện nguồn thu. Chị Lục Thị Huệ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cư M’gar cho biết, năm 2021, mô hình được triển khai tại địa phương, ban đầu có 10 thành viên tham gia. Các chị em đã đầu tư nuôi heo, thỏ, gà và kinh doanh tạp hóa. Các hộ chăn nuôi, kinh doanh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giúp gia đình hội viên có thêm nguồn thu đáng kể, quan trọng hơn, đã từng bước thay đổi nhận thức, cách làm trong sản xuất, chăn nuôi của chị em tại địa phương.

Chỉ với 2 con dê giống ban đầu được Hội LHPN huyện Cư M’gar hỗ trợ khi tham gia Cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số", sau gần hai năm chăm sóc, đến nay gia đình chị H’Mua Ajuin (buôn Sah B, xã Ea Tul) đã có thêm 7 con dê. Ngoài chăn nuôi dê, chị còn mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha cà phê già cỗi, kém năng suất sang trồng xen canh các loại cây ăn trái, nhờ đó thu nhập ngày càng được cải thiện. Chị H’Mua chia sẻ, từ khi tham gia chương trình này, chị được hỗ trợ dê giống, tập huấn khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nên tự tin hơn rất nhiều trong phát triển kinh tế. Từ đó, nguồn thu nhập của gia đình cũng được nâng cao.

Cán bộ Hội LHPN xã Cư M'gar tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số chăn nuôi theo phuơng thức mới.

Huyện Cư M’gar có hơn 72 thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 45% tổng dân số. Trước đây, các hộ dân tộc thiểu số thường sản xuất theo lối truyền thống, manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao, nhiều hộ còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Để ổn định, nâng cao đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số, Hội LHPN huyện đã triển khai Cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số". Các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi mô hình sản xuất; tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, cây, con giống. Nhiều mô hình làm kinh tế đã được hội triển khai như: “Cải tạo và xóa vườn tạp”; “Di dời chuồng trại ra khỏi gầm nhà sàn”; “Vườn rau hạnh phúc”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo”; “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”...

Mặc dù mới được triển khai từ năm 2020, nhưng Cuộc vận động "Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số" đã có sức lan tỏa sâu rộng trên địa bàn. Hai năm qua, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã thành lập được 14 mô hình phát triển kinh tế trong hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số, có 105 thành viên tham gia, với số vốn được hỗ trợ 300 triệu đồng cho các hộ đầu tư nuôi dê, bò, thỏ, buôn bán tạp hóa. Các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hội viên có thêm thu nhập và từng bước giảm nghèo.

Bà H'Lúi Niê, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, thời gian tới Hội tiếp tục khảo sát, nắm bắt nhu cầu, tình hình thực tế tại các hộ gia đình để có phương thức hỗ trợ phù hợp, thiết thực. Đồng thời, nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế đang hiện có. Hội chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ để hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.