Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung: Đòn bẩy thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" vay vốn Ngân hàng Thế giới, nhiều công trình cấp nước tập trung được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, tạo cơ sở hoàn thiện chỉ tiêu số hộ dân sử dụng nước sạch trong tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, giúp nhiều địa phương sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Chương trình có tổng kế hoạch vốn thực hiện giai đoạn 2016 - 2022 trên 247 tỷ đồng gồm nguồn vốn vay cấp phát hỗ trợ, UBND tỉnh vay lại và nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh; có 3 hợp phần (gồm: cấp nước nông thôn; vệ sinh nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá).
Sau gần 6 năm triển khai thực hiện, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã xây mới, nâng cấp, cải tạo 116 công trình cấp nước và vệ sinh trường học; nâng cấp, sửa chữa 62 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế; đấu nối hệ thống nước sạch cho 14.000 hộ. Với kết quả trên, Chương trình không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho nhân dân mà còn giúp các địa phương từng bước hoàn thành tiêu chí số 17.
Người dân xã Dang Kang (huyện Krông Bông) phấn khởi khi sử dụng nguồn nước từ công trình. |
Đơn cử như ở xã Ea Bông (huyện Krông Ana), trước đây nước sạch là một vấn đề nan giải đối với chính quyền và nhân dân xã Ea Bông. Ở các thôn, buôn như thôn 10-3, buôn Riăng và buôn Knul nguồn nước bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, để phục vụ nhu cầu ăn, uống người dân phải đi mua nước bình hoặc đi lấy nước suối, đến các vùng khác chở nước về dùng. Đối với các thôn, buôn khu vực trung tâm xã, dù nguồn nước không bị ô nhiễm nhưng cứ đến mùa khô thì gần như tất cả các giếng đào đều khô cạn đáy khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Mãi đến năm 2019, với sự hỗ trợ của Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" vay vốn Ngân hàng Thế giới, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Bông được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động vào đầu năm 2020 với chi phí đầu tư trên 13 tỷ đồng, cấp nước sạch cho gần 1.000 hộ dân ở 6 thôn, buôn trên địa bàn xã. Nhờ đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh tăng lên, góp phần giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí số 17 vào năm 2021.
Tương tự, Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã Dang Kang (huyện Krông Bông) được triển khai xây dựng từ tháng 2/2020 với chi phí đầu tư trên 14 tỷ đồng và được bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 1/2021 với công suất thiết kế 653 m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.100 hộ dân trên địa bàn xã; trong đó có 554 khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số.
Cán bộ quản lý công trình cấp nước xã Ea Bông (huyện Krông Ana) kiểm tra hệ thống công trình. |
Được biết, xã Dang Kang là xã vùng III với 8 thôn, buôn, hơn 1.700 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 59% dân số. Do đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, trước đây, các hộ dân chủ yếu đào giếng để lấy nguồn nước phục vụ sinh hoạt.
Tuy vậy, chất lượng nguồn nước không bảo đảm, có hiện tượng nhiễm phèn nên các hộ dân chủ yếu dùng để tắm giặt, còn nước phục vụ nhu cầu nấu ăn, uống thì mua các bình nước lọc về sử dụng; mùa khô thì giếng cạn, không đủ dùng, nhất là ở 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Phan Thanh Cẩm, Chủ tịch UBND xã Dang Kang chia sẻ, từ khi có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không chỉ góp phần cung cấp nước sạch cho người dân, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh, sức khỏe mà còn giúp địa phương hoàn thiện chỉ tiêu về số hộ dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh trong tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Từ đây, địa phương sẽ cố gắng thực hiện các chỉ tiêu còn lại trong tiêu chí này để sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Có thể nói, trong tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm thì tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn là một chỉ tiêu khó thực hiện đối với nhiều xã vùng nông thôn trong cả nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Chính vì thế, đối với những xã được hưởng lợi từ Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" vay vốn Ngân hàng Thế giới, đặc biệt các xã được đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung là một lợi thế, đòn bẩy để sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, chỉ tiêu 17.1 (tiêu chí số 17) về tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn thì ở khu vực Tây Nguyên, các xã không thuộc khu vực III phải đạt từ 30% trở lên, xã khu vực III từ 20% trở lên. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc