Hạnh phúc từ sự hiểu biết, sẻ chia
Hội thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2022 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam mới đây là cơ hội để các gia đình nâng cao kiến thức pháp luật về lĩnh vực gia đình, để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Hội thi có sự tham gia của 15 gia đình văn hóa tiêu biểu đến từ 12 huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang. Qua các phần thi: Giới thiệu về các thành viên trong gia đình; kiến thức pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; ứng xử, trả lời câu hỏi tình huống xảy ra trong đời sống gia đình và thi năng khiếu, hội thi đã mang đến nhiều ấn tượng thú vị cho những người tham dự.
Gia đình ba thế hệ của ông Võ Văn Phương (đơn vị huyện Krông Bông) đạt giải A tại hội thi. |
Tùy "loại hình": gia đình trẻ, gia đình ba thế hệ, gia đình dân tộc thiểu số…, mỗi gia đình tham gia hội thi có cách thức thể hiện bài thi đặc trưng, ấn tượng. Các gia đình đã kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong hình thức giới thiệu; thể hiện năng khiếu như hát, đọc rap, hoạt cảnh, đánh đàn, nhảy, thuyết trình… để chuyển tải những câu chuyện, tình huống trong gia đình một cách chân thực, sống động, cùng phần cổ động trực quan đa dạng làm nổi bật nội dung, thông điệp của hội thi.
Một trong những phần thi được nhiều người quan tâm là phần ứng xử, trả lời câu hỏi tình huống. Những câu hỏi gần gũi với cuộc sống như: Bạn xử sự ra sao khi phát hiện chồng (vợ) bạn thường đi ăn cơm hàng quán với người khác giới? Khi chồng (vợ) bạn do sức khỏe không đáp ứng nhu cầu sinh lý của vợ (chồng), bạn sẽ xử sự như thế nào? Nội dung câu hỏi mới nghe qua có phần nhạy cảm, thế nhưng rất thực tế, là tình huống có thể xảy ra hằng ngày trong mỗi gia đình.
Các câu trả lời đều được vận dụng từ thực tiễn cuộc sống, hiểu biết pháp luật, cùng suy nghĩ của bản thân mỗi người; đó chính là kinh nghiệm, bài học đáng quý đưa đến hội thi, để mọi người có thể tự suy ngẫm, tìm câu trả lời và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với cuộc sống gia đình.
Gia đình ông Võ Văn Phương (huyện Krông Bông) trong phần thi năng khiếu. |
Đặc biệt, một số gia đình còn chia sẻ câu chuyện từ chính nhà mình để có cái nhìn khách quan hơn. Đơn cử như gia đình anh Lương Nguyên Phước và chị Phan Thị Hoài (huyện Buôn Đôn), với câu hỏi “Theo anh (chị) để quan hệ giữa mẹ chồng - nàng dâu ngày càng tốt đẹp hơn, bạn nên làm gì?". Chị Hoài cho rằng sợi dây gắn kết mối quan hệ tốt đẹp đó chính là tình cảm. Sự yêu thương, gần gũi, chăm sóc, vị tha… chính là chất xúc tác làm cho tình cảm giữa mẹ chồng - nàng dâu và của cả gia đình trở nên tốt đẹp.
Hơn hết, thông qua các phần thi đã thêm gắn kết các thành viên, mỗi người là một phần không thể thiếu của tổ ấm, là một màu sắc riêng trong "vườn hoa" gia đình. Anh Nguyễn Trường Sinh (huyện Cư M’gar) chia sẻ: "Khi tham gia các phần thi, tôi, vợ và các con đều thấy rất thú vị, được hiểu thêm nhiều kiến thức. Đây là cơ hội để chúng tôi hiểu thêm những tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc và sẽ luôn cố gắng thực hiện để các con được sống trong một gia đình hạnh phúc, vui vẻ". Còn ông Võ Văn Phương (huyện Krông Bông) bày tỏ, không chỉ gia đình ông mà các gia đình khác khi tham gia cuộc thi đều nhận lại những niềm vui và kiến thức bổ ích để xây dựng gia đình an vui, hạnh phúc.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban giám khảo hội thi bày tỏ tin tưởng, qua tham gia hội thi, thành viên mỗi gia đình sẽ là tuyên truyền viên tích cực lan tỏa tình yêu thương, kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực trong gia đình, đơn vị, địa phương và cộng đồng.
Hội thi là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình đến đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. |
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc