Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp "ánh sáng tình người"

06:30, 14/08/2022

Cuối tháng 7 vừa qua, hơn 300 người dân nghèo bị đục thủy tinh thể trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vui mừng khôn xiết khi được phẫu thuật mắt miễn phí tại Chương trình "Ánh sáng tình người" do Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức.

Đây là một trong những hoạt động từ thiện vô cùng ý nghĩa, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn bị suy giảm thị lực không có điều kiện khám chữa bệnh có cơ hội tìm lại ánh sáng cho đôi mắt của mình. Theo đó, trong ba ngày (22 - 24/7), từ sáng đến tối, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên lại rôm rả, đông đúc người đến khám bệnh. Bệnh nhân chủ yếu là người già, mắt lão hóa, có hoàn cảnh khó khăn được mời đến thăm khám và thực hiện phẫu thuật.

Bác sĩ Bệnh viện mắt Tây Nguyên khám sàng lọc cho bà con trước khi mổ mắt tại chương trình.

Hơn 4 năm nay, bà Nguyễn Thị Kiều (SN 1960, trú thôn 2, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) sống với đôi mắt mờ nhòe nên khi nghe tin được mổ mắt miễn phí, bà đã có mặt từ rất sớm để thăm khám với hy vọng có cơ hội được tiến hành phẫu thuật. Bà tâm sự, gia đình bà đặc biệt khó khăn, con cái đều đi làm xa, chỉ có vợ chồng già ở với nhau. Mấy năm gần đây, bà mắc phải bệnh suy thận và ung thư tá tràng, mỗi tháng phải bỏ ra chi phí hơn 5 triệu đồng để đến thăm khám và lấy thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Hai vợ chồng chỉ dựa vào mấy sào đất rẫy để sinh sống nên quanh năm sống trong cảnh nợ nần, không có điều kiện chữa trị bệnh đục thủy tinh thể cho bà. Đôi mắt mờ nhòe theo thời gian khiến bà không thể làm việc, trở thành gánh nặng cho chồng. Dịp này, được Hội Chữ thập đỏ thành phố đến hỏi thăm bệnh tình và phát phiếu đi mổ mắt miễn phí nên bà vui mừng hẳn bởi nhờ vậy mà bà tìm lại được ánh sáng, có thể làm việc cùng chồng, phát triển kinh tế cho gia đình.

Năm nay, cụ bà Hoàng Thị Toàn (SN 1945, trú xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đã ngoài 80 tuổi, đôi mắt thường xuyên bị giật, lác, mờ dần sau nhiều năm bị đục thủy tinh thể do gia cảnh khó khăn không có khả năng chữa trị. Gần 40 năm trước chồng bà bị tai nạn giao thông nặng chưa kịp khỏi thì bị bệnh tai biến, bà phải bán hết nhà cửa, đất đai để chữa trị nhưng vẫn không thể cứu chữa. Từ đó, một mình bà vất vả nuôi 4 đứa con lớn lên. Hiện tại, con của bà đã lập gia đình nhưng không có việc làm ổn định, công việc chỉ đủ nuôi vợ con, không dư giả để chăm sóc bà. Vậy nên, mặc dù đã già cả, ốm yếu lại thêm đôi mắt nhìn không rõ nhưng mỗi ngày bà vẫn phải mò mẫm đi nhặt ve chai bán kiếm sống qua ngày. Vì vậy, khi nghe tin được phẫu thuật mắt miễn phí, bà phấn khởi chia sẻ: “Cả đêm qua tôi không ngủ được, cứ trằn trọc tới sáng để nhờ bạn chở lên đây khám chữa. Khi được chỉ định phẫu thuật, tôi cùng bạn thân như vỡ òa trong hạnh phúc bởi chữa lành được đôi mắt, bà già như tôi sẽ dễ dàng chăm sóc bản thân, không phải chịu cảnh mù lòa, ở nhà một chỗ trở thành gánh nặng cho các con”.

Một ca mổ mắt cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể trong chương trình.

Nguồn lực để thực hiện chương trình là nhờ Hội Chữ thập đỏ thành phố kêu gọi hỗ trợ từ đơn vị tài trợ chính là Ban từ thiện xã hội Báo Giác Ngộ, do hòa thượng Thích Chơn Tịnh, Trụ trì chùa Thường Quang, Phó Ban từ thiện xã hội Báo Giác Ngộ thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, còn có sự hỗ trợ của Bệnh viện Mắt Tây Nguyên tạo điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ khám mổ mắt cho người dân. Song song với đó, Hội Chữ thập đỏ thành phố còn vận động Bếp cơm xã hội từ các nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố để triển khai bếp ăn nhân đạo phục vụ bệnh nhân phẫu thuật mắt.

Bà Phạm Khánh Quyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột cho biết, Chương trình "Ánh sáng tình người" diễn ra với mục tiêu phát hiện sớm và điều trị phẫu thuật đúng giai đoạn bệnh đục thủy tinh thể nhằm giảm tỷ lệ mù lòa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân gặp hoàn cảnh khó khăn. Đây là một trong những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi không chỉ giúp người mù nghèo tìm lại ánh sáng mà còn làm thay đổi cuộc sống và tạo cơ hội để họ được tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đối với những người già cả không còn trong độ tuổi lao động, việc tìm lại ánh sáng của đôi mắt cũng chính là tìm lại niềm vui sống, giúp gia đình, người thân của họ giảm bớt gánh nặng. Trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ để hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân hơn nữa, góp phần nhân lên sự sẻ chia cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.