Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường

17:41, 22/08/2022

Chiều 22/8, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường”.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã thông qua những nội dung chính của Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân. Những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa, đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, nhà trường và xã hội quan tâm. Công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực; tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường; công tác xây dựng văn hóa học đường ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; việc thực hiện còn mang tính hình thức...

Để triển khai hiệu quả công tác xây dựng văn hóa học đường, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận về các nội dung: các giải pháp tăng cường công tác triển khai xây dựng văn hóa học đường ở các địa phương; định hướng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phối hợp triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; xây dựng hệ giá trị văn hóa cần hình thành trong học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, xây dựng văn hóa học đường là nội dung quan trọng để giáo dục phát triển toàn diện. Để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt về vai trò của xây dựng văn hóa học đường, tăng cường tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động; phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa, xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa học đường; huy động các nguồn lực bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, sân thể thao... Bộ GD-ĐT phát huy tốt vai trò chủ trì, tham mưu, phối hợp huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong xây dựng văn hóa học đường nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch đề ra…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.