Đừng “ăn chặn” của người mua hàng
Cạnh tranh với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ mọc lên ngày càng nhiều trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tiểu thương ở các chợ truyền thống cũng đang nỗ lực thay đổi thói quen, hành vi mua bán và nhã nhặn hơn để thu hút khách.
Tuy nhiên, tình trạng cân gian, bán thiếu dù đã không còn phổ biến như trước, song vẫn xảy ra ở một số chợ, gánh bán hàng rong khiến người tiêu dùng bức xúc.
Hầu như người tiêu dùng, ai cũng đã từng bị "móc túi" ngang nhiên do việc người bán cố tình sử dụng cân lệch chuẩn, cân "điêu" nhằm ăn bớt trọng lượng hàng hóa. Trong một số trường hợp, thấy hàng hóa giá rẻ hoặc tiện đường nên tấp vào lề mua, nhưng khách hàng không hề biết họ bị “ăn gian” bởi người bán cân thiếu. Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng buồn hơn, tôi bị “móc túi” theo cách có thể nói bị “mất mặt” trước bạn bè tôi - du khách phương xa đến thăm chơi.
Nhân viên siêu thị Thành Phát cân thực phẩm cho khách hàng. (Ảnh: minh họa) |
Chiều hè tháng 7, tôi có nhóm bạn là khách du lịch đến TP. Buôn Ma Thuột tham quan, nghỉ dưỡng. Trên tuyến đường từ huyện Buôn Đôn về TP. Buôn Ma Thuột, ngay trên lề đường trước cổng chợ Phan Đình Phùng (phường Thành Nhất), chúng tôi bắt gặp một phụ nữ đang mời chào khách mua sầu riêng, chôm chôm. Sẵn tiện, tôi cũng hồ hởi “khoe” với nhóm bạn: “Thời điểm này đang là mùa trái cây địa phương nên tha hồ thưởng thức “sản vật” của Đắk Lắk”. Chúng tôi quyết định mua hàng của những người bán rong với giá 25.000 đồng/kg chôm chôm, 65.000 đồng/kg sầu riêng. Cách đó vài mét, một phụ nữ khác đang sắp xếp vải thiều trên chiếc xe đẩy, tiến lại gần chúng tôi, chị vừa hồ hởi vừa năn nỉ mời chào du khách mua hàng vì cả ngay nay bán khá ế. Bình thường chị bán giá 30.000 đồng/kg, nhưng hôm nay “xả vía” bán 25.000 đồng/kg. Phần thì thương cảm, hơn nữa lại thấy trái cây tươi ngon nên bạn tôi không hề trả giá, thiện chí mua ngay. Cân xong chùm vải, chị bán hàng bảo 2,8 kg. Nghi ngờ về trọng lượng nên khi về đến nhà, tôi cân lại thì túi vải chỉ vừa đầy 2 kg. Tiện tay, tôi cũng đặt túi trái cây đã mua trước đó lên cân thì hỡi ôi, sầu riêng, chôm chôm mỗi thứ đều bị hao hụt đi... 2 lạng.
Ấm ức nhưng “nhà đang có khách” nên tôi đành “bấm bụng” cho qua, nhưng lòng vẫn không khỏi ái ngại vì cách nghĩ này khác nào “tiếp tay” cho nạn cân thiếu, gian lận đang diễn ra ở các chợ lớn, nhỏ trong tỉnh. Lần này, người tiêu dùng, trong đó có tôi “ngậm bồ hòn” cho qua, nhưng làm thế tình trạng “cân gian, bán thiếu” sẽ còn tiếp tục diễn ra.
Mang câu chuyện đi kể với một số người bạn thì cũng "nỗi khổ" với tôi, còn có thêm nhiều người tiêu dùng khác. Nhưng họ còn bị người bán hàng “chơi chiêu”, hễ gặp khách mặc cả thì vẫn bán và sẽ cân không đủ trọng lượng.
Vẫn biết những người bán hàng rong đa phần là người nghèo, buôn bán thời vụ vì miếng cơm manh áo. Tuy nhiên, việc cố tình “cân gian, bán thiếu” như trên đã làm ảnh hưởng đến văn minh thương mại chung của tỉnh. Không chỉ vậy, vì trục lợi mà người bán cố tình giân lận, chèo kéo du khách thì còn đâu hình ảnh du lịch thân thiện, văn minh của thành phố?
Từ câu chuyện nhỏ trên cũng khiến tôi có nhiều trăn trở. “Cạch” hàng rong thì không đành, chỉ mong người bán hàng có lương tâm hơn, đừng để người tiêu dùng có tâm lý “ngại” ra chợ vì nghĩ ít có ai bán đúng giá, cân đủ ký. Bên cạnh đó, rất cần sự chung tay vào cuộc tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý của cơ quan chức năng, Ban Quản lý các chợ và cả nỗ lực thay đổi của tự thân mỗi người bán hàng để xây dựng môi trường thương mại, hình ảnh du lịch văn minh, thân thiện trong lòng du khách.
Duy Khôi
Ý kiến bạn đọc