Multimedia Đọc Báo in

Góp sức trẻ xây dựng quê hương

08:19, 25/08/2022

Với mong muốn cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương, nhiều sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Lắk đã quay về địa phương lập nghiệp. Đây sẽ là hạt nhân nòng cốt trong các phong trào, hoạt động xã hội, cũng là nguồn lực quan trọng giúp địa phương đổi mới, phát triển.

Y Hon Ông (SN 2000) là người dân tộc M'nông ở xã Đắk Liêng vừa tốt nghiệp loại Giỏi ngành Giáo dục chính trị, Khoa Lý luận chính trị của Trường Đại học Tây Nguyên.

Trong buổi gặp mặt, giao lưu các sinh viên DTTS tiêu biểu do UBND huyện Lắk tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, Y Hon Ông chia sẻ: "Gia đình thuộc diện cận nghèo, nên em luôn nỗ lực học tập với quyết tâm trở về cống hiến sức trẻ xây dựng buôn làng. Chính tâm niệm này mà trong suốt 4 năm học vừa qua em luôn nỗ lực hết mình khi vừa học, vừa tham gia tích cực phong trào đoàn cũng như công tác xã hội của trường. Khi tốt nghiệp ra trường, em mong tìm được công việc phù hợp để có thể cống hiến sức trẻ cho quê hương huyện Lắk, nơi em được sinh ra và trưởng thành".

Chính ý thức và quyết tâm phấn đấu rèn luyện một cách toàn diện đó, trong thời gian học tập tại trường, Y Hon Ông đã có nhiều thành tích đáng nể: 4 năm liền đều đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt" cấp trường; nhiều năm liền được nhận Giấy khen của Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên, Bằng khen của Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh; được nhận học bổng Hessen (Cộng hòa Liên bang Đức), học bổng Vừ A Dính… Đặc biệt, vào tháng 10 năm 2021, Y Hon Ông là sinh viên người M’nông đầu tiên của Khoa Lý luận chính trị vinh dự được kết nạp vào Đảng khi đang học năm thứ tư.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk Nguyễn Anh Tú (bìa trái) và đại diện Hội LHTN huyện Lắk trao Giấy khen tặng các sinh viên có thành tích học tập tốt.

Hay như Y Xim Ndu (SN 1992, xã Đắk Liêng) tốt nghiệp đại học loại Khá ngành Quản lý nhà nước của Học viện Hành chính Quốc gia - Phân viện khu vực Tây nguyên năm 2015, Y Xim Ndu về làm việc trong một cơ quan nhà nước, nhưng đến năm 2018 anh xin nghỉ việc để theo đuổi ước mơ phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá kết hợp với tìm hiểu bản sắc, văn hóa tại địa phương.

 

“Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện và sẵn sàng chào đón đội ngũ thanh niên, sinh viên giàu nhiệt huyết, có tri thức, trình độ để cùng chung tay xây dựng Lắk ngày càng phát triển, giàu đẹp” - Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk  Nguyễn Anh Tú.

Là người dân tộc M’nông, trân quý và am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, Y Xim đã xây dựng tour du lịch dã ngoại, trekking với nhiều hoạt động như: khám phá thác Bìm Bịp; trekking chinh phục đỉnh Chư Yang Lắk; tham quan một số buôn làng M’nông dưới chân núi Chư Yang Sin; trải nghiệm làm gốm ở xã Yang Tao; chụp hình với voi, ngắm hoàng hôn ở hồ Lắk, thưởng thức những món ăn bản địa; giao lưu văn hóa cồng chiêng…

Cùng tham gia buổi gặp mặt, giao lưu các sinh viên DTTS tiêu biểu của huyện, Y Xim Ndu bộc bạch: "Sau khi tốt nghiệp đại học, dù có nhiều cơ hội nghề nghiệp nhưng em vẫn quyết tâm trở về huyện Lắk. Dù làm việc ở môi trường nhà nước hay theo đuổi đam mê của bản thân, em cũng xác định tuổi trẻ phải sống có lý tưởng và luôn nỗ lực để cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương. Lắk là huyện có nhiều tiềm năng du lịch nhưng đời sống của bà con còn khó khăn. Khi theo đuổi ước mơ phát triển du lịch trải nghiệm, em cũng mong muốn góp phần nhỏ bé của bản thân thúc đẩy du lịch địa phương phát triển hơn nữa. Không chỉ quảng bá được hình ảnh, văn hóa bản địa của người M’nông ở huyện Lắk tới nhiều địa phương, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc mà còn tạo việc làm, thu nhập cho người dân nơi đây".

Anh Y Xim Ndu (thứ hai từ  phải sang) cùng các bạn trẻ tham gia tour dã ngoại tại huyện Lắk. Ảnh nhân vật cung cấp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk Nguyễn Anh Tú khẳng định: Lực lượng thanh niên các DTTS Lắk đã góp phần tích cực vào sự phát triển của quê hương. Điều này thể hiện qua số sinh viên trúng tuyển, theo học ở các trường đại học năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhiều thế hệ sinh viên sau khi tốt nghiệp đã trở về làm việc tại địa phương, được bố trí việc làm và đến nay có em cũng phấn đấu giữ các cương vị chủ chốt ở ban, ngành, đoàn thể các cấp…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.