Multimedia Đọc Báo in

“Lối về" cho phụ nữ hoàn lương

08:16, 16/08/2022

Thực hiện chương trình phối hợp giáo dục, cải tạo phạm nhân nữ và giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, những năm qua, Hội LHPN tỉnh và Trại giam Đắk Trung (thuộc Cục C10 - Bộ Công an, đóng trên địa bàn huyện Cư M’gar) đã có nhiều hoạt động thiết thực, làm cầu nối để chị em hoàn lương, vượt qua mặc cảm hòa nhập với cộng đồng.

Đa dạng các hoạt động hỗ trợ

Trại giam Đắk Trung hiện là nơi quản lý, giáo dục, cải tạo các phạm nhân nữ với nhiều tội danh khác nhau. Đa phần các phạm nhân đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trước khi phạm tội họ không có nghề nghiệp ổn định. Bám sát nội dung của chương trình ký kết phối hợp, hằng năm, Hội LHPN tỉnh và Trại giam Đắk Trung đều chú trọng đến công tác khảo sát thực trạng phụ nữ hoàn lương, tổng hợp và có hình thức giúp đỡ họ ổn định cuộc sống, tham gia vào các hoạt động tại địa phương. Ban Giám thị Trại giam Đắk Trung tăng cường công tác giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để phạm nhân nữ học tập, cải tạo tiến bộ; quan tâm đến công tác giảm án, đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện... Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp tổ chức dạy nghề, truyền nghề, tư vấn việc làm, giúp đỡ phạm nhân nữ sau khi tái hòa nhập cộng đồng, để họ có việc làm và ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.

Đại diện Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tặng quà cho các nữ phạm nhân đang mang thai và nuôi con nhỏ.

Đại tá Vũ Đức Minh, Phó Giám thị Trại giam Đắk Trung cho biết, những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban Giám thị luôn đặt công tác quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhờ vậy, đa số phạm nhân xác định bản án an tâm học tập cải tạo, tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ năm sau giảm hơn năm trước.

 

“Chúng tôi luôn mong muốn các phạm nhân nữ phấn đấu, nỗ lực cải tạo tốt để sớm được quay về bên gia đình, cộng đồng. Tổ chức Hội Phụ nữ sẽ luôn đồng hành để các chị thấy rằng hành trình trở về không hề đơn độc, để có điều kiện tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn" - Chủ tịch Hội LHPN  Tô Thị Tâm.

Từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều hoạt động vận động chị em chấp hành xong án phạt tham gia sinh hoạt Hội, tham gia vào các mô hình, câu lạc bộ phù hợp với sở thích, hoàn cảnh. Trong đó đã có 35 phụ nữ hoàn lương được Hội quan tâm hỗ trợ, tín chấp cho vay 756 triệu đồng để phát triển kinh tế. Cán bộ Hội địa phương cũng đã có nhiều cách tiếp cận, hướng dẫn chị em cách thức thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", chia sẻ kiến thức sản xuất, kinh doanh nhằm tạo điều kiện để chị em được giao lưu, tiếp xúc, từng bước hòa nhập với cộng đồng.

Riêng đối với nữ phạm nhân đang chấp hành án, thời gian qua Hội và Trại giam Đắk Trung đã tổ chức các chương trình “Thắp sáng niềm tin”, “Hoàn lương tôi nguyện làm công dân tốt”, “Ước mơ ngày trở về”, diễn đàn “Tự tin hòa nhập – khởi nghiệp hướng tới tương lai” nhằm tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ về vật chất, tinh thần, qua đó động viên họ yên tâm cải tạo tốt để sớm trở về.

Để tự tin trở lại cuộc sống đời thường

Tuổi trẻ từng lầm lỡ để rồi vướng vào vòng lao lý, 2 năm chấp hành án phạt tù giam có lẽ là khoảng thời gian dài nhất mà chị N.T.V. (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) từng trải qua. Khi trở về nhà, thời gian đầu chị vẫn luôn mặc cảm, tự ti, không dám giao tiếp vì sợ sự kỳ thị của cộng đồng. Tuy nhiên, được Hội LHPN xã tư vấn, kết nối cho vay 20 triệu đồng để phát triển kinh tế, chị V. có thêm động lực, quyết tâm làm lại cuộc đời. Chị V. tâm sự: “Từ số vốn ban đầu, tôi đầu tư mua 5 con dê để nuôi, đến nay đàn dê của gia đình đã có hơn 20 con, cho thu nhập ổn định. Trước kia tôi đang theo học nghề spa thì vướng vòng lao lý nên bỏ dở, khi trở về cũng không có ý định học tiếp vì ngại tiếp xúc với nhiều người nhưng được sự động viên từ gia đình cũng như các chị em trong Hội, hiện nay, tôi đang tiếp tục theo học nghề để sắp tới có hướng mở cơ sở kinh doanh”.

Các phạm nhân nữ tham gia chương trình "Hành trang cho tương lai" năm 2022.

Tại chương trình giao lưu “Hành trang cho tương lai” được Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trại giam Đắk Trung tổ chức vào tháng 7 vừa qua, nhiều phạm nhân nữ đã có cơ hội được giao lưu, nói lên mong muốn được tư vấn, giải đáp các nội dung liên quan đến vay vốn, hỗ trợ sinh kế, việc làm… sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Họ bày tỏ rằng sẽ tự tin hơn để tái hòa nhập cộng đồng khi được dạy nghề, giới thiệu việc làm, bởi khi đã có thu nhập ổn định thì sẽ không quay lại con đường cũ.

Thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các nữ phạm nhân, tại chương trình, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã trực tiếp giải đáp thắc mắc, thông tin về một số nghị định của Chính phủ quy định về việc hỗ trợ đào tạo nghề, vay vốn cho những người chấp hành xong hình phạt tù. Đồng thời giới thiệu một số kênh để các chị em có thể tiếp cận tìm việc làm sau khi trở về địa phương.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.