Multimedia Đọc Báo in

Phụ huynh ở vùng sâu với nỗi lo vào năm học mới

10:32, 25/08/2022

Cùng với niềm vui đến trường của con trẻ sau một thời gian việc học tập trung bị gián đoạn vì dịch COVID-19, bước vào năm học 2022 – 2023, nhiều phụ huynh ở huyện Lắk đang trăn trở với chuyện kinh phí mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho con.

Để trang bị đầy đủ cho con em mình những thứ cần thiết nhất như: quần áo, sách vở, đồ dùng học tập để bước vào năm học mới cần khoản kinh phí khoảng từ 1 - 2 triệu đồng. Đây là điều không khó đối với người dân ở thành thị hay những gia đình có điều kiện, nhưng lại là nỗi lo đối với những gia đình ở nông thôn, hộ nghèo, nhất là gia đình có đông con đi học.

Chị Lê Thị Hoàng, buôn Tung 1 (xã Buôn Triết) cho hay, do dịch bệnh COVID-19 cùng với giá cả leo thang đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người nông dân. Tuần trước, chị phải xoay xở để có tiền mua sách vở cho hai con đang học lớp 2 và lớp 6 và mỗi đứa một đôi dép mới, chứ không đủ tiền mua quần áo mới như những năm trước đây.

Năm học mới đã cận kề, chị Driah Teh, buôn Za, xã Bông Krang, huyện Lắk vẫn chưa mua được sách vở cho con.

Có được sách vở đầy đủ như hai đứa con của chị Hoàng đã là may mắn so với nhiều học sinh là con em hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Chị Driah Teh, ở buôn Za (xã Bông Krang) tâm tình, gia đình chị thuộc diện nghèo, cuộc sống dựa cả vào một con bò và 2 sào ruộng lúa, chồng làm thuê, công việc thất thường. Những năm trước dù thiếu thốn nhưng dịp này chị vẫn xoay xở sắm sửa đầy đủ sách vở cho con. Nhưng năm nay đứa con học lớp 3 vẫn chưa có cuốn sách nào chứ chưa nói đến quần áo mới.

Tương tự, chị H’Truen Teh (buôn Za, xã Bông Krang) có hai con đi học, trong đó, đứa lớn học lớp 2, đứa nhỏ học mẫu giáo. Năm trước có đoàn từ thiện cho con chị sách nên gia đình không phải lo. Gần đây, chồng chị H’Truen Teh đau ốm thường xuyên, chị phải làm thuê để lo cho gia đình. Nhà có 1 sào ruộng lúa, nhưng đợt mưa vừa rồi bị ngập hư hết. “Tủi thân, thương con lắm nhưng tôi chưa biết tính sao để có tiền mua sách vở, quần áo cho các con”, chị H’Truen Teh bộc bạch.

Cô Trần Thị Phương, Hiệu Phó Trường Tiểu học Trần Phú (xã Bông Krang) cho biết, năm học 2022 – 2023, trường có 29 lớp, với 856 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, đồng thời tuyên truyền phụ huynh mua sách cho con em. Thông tin về sách giáo khoa nhà trường chọn được phổ biến đến phụ huynh bằng điện thoại, trực tiếp đến thôn, buôn, qua đoàn thanh niên. Trường chỉ hỗ trợ được cho một vài em thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thời điểm này, nhiều học sinh vẫn chưa có sách vở, đồ dùng học tập. Ngày tựu trường, giáo viên sẽ nắm bắt số lượng các em thiếu sách vở, kết nối, kêu gọi các nhà từ thiện hỗ trợ cho học sinh. Đa phần học sinh của trường là con em dân tộc thiểu số, nhiều hộ thuộc diện nghèo, đất canh tác ít, thu nhập thấp. Bên cạnh đó, nhiều em có bố mẹ đi làm ăn xa nên sự quan tâm cho con chưa đầy đủ, kịp thời. Thường thì khoảng nửa tháng 9, học sinh mới đủ sách Toán, Tiếng Việt, sách các môn phụ, đồ dùng học tập thì vẫn thiếu.

Cô Trần Thị Phương, Hiệu phó Trường Tiểu học Trần Phú thăm hỏi phụ huynh và học sinh trước thềm năm học 2022 - 2023.

Năm học 2022 – 2023, toàn huyện Lắk có gần 17.000 học sinh từ mẫu giáo đến THCS. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo cao, 70,8% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện thông tin, trước năm học mới, ngành giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường lựa chọn sách giáo khoa đúng quy định, công khai tại trường và thông báo đến phụ huynh. Bên cạnh đó, ngành giáo dục, các trường cùng với địa phương và Hội Khuyến học tích cực tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm tặng học bổng, xe đạp, sách vở, dụng cụ học tập… cho học sinh nghèo để góp phần chia sẻ nỗi lo toan của phụ huynh.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.