Nghị lực của chàng trai khuyết tật
Không được may mắn lành lặn, khỏe mạnh như bao bạn bè đồng trang lứa, ngay từ khi sinh ra, Y Đương Niê (dân tộc Êđê, ở buôn Đức, xã Cư M'ta, huyện M’Drắk) đã bị khuyết tật hệ vận động, hai chân co cứng không thể đi lại được, sức khỏe yếu.
Năm nay đã 21 tuổi nhưng thân hình Y Đương chỉ bằng đứa trẻ lên 5. Song, bằng ý chí và nghị lực của mình Y Đương đã đấu tranh với căn bệnh quái ác để vươn lên trong cuộc sống.
Khi Y Đương chưa tròn 1 tuổi, bố em đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Mẹ lập gia đình mới không lâu sau đó, Y Đương được ông bà ngoại đón về chăm sóc và nuôi dưỡng. Đến tuổi đi học, Y Đương cũng được đến trường, dù rất vất vả, việc đi lại phải nhờ vào người em cùng mẹ khác cha và thầy cô ở trường đưa đón. Dẫu vậy, Y Đương luôn nỗ lực học tập với mơ ước được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng lên lớp 5 thì việc học đành của Y Đương dở dang vì người em đưa đón hằng ngày bỏ học để mưu sinh. Bà ngoại sức khỏe yếu qua đời để lại hai ông cháu nương tựa nhau. Từ đó, Y Đương ra đời bươn chải, tự nuôi bản thân và hỗ trợ người ông già yếu.
Y Đương Niê cùng ông ngoại gia công những chiếc gùi kịp giao cho khách. |
Từ bé, Y Đương đã được ông ngoại dạy cách đan gùi. Sau khi nghỉ học, cậu chuyên tâm theo học nghề đan gùi truyền thống của người Êđê. “Nghề đan gùi tuy không vất vả, cực nhọc nhưng đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay và phải kiên trì. Mặc dù sinh ra đôi chân không lành lặn, nhưng bù lại em vẫn may mắn vì còn đôi tay khỏe mạnh, linh hoạt”, Y Đương Niê tâm sự.
Hằng ngày, Y Đương giúp ông đan những chiếc gùi bán cho bà con trong buôn và các buôn lân cận. Tùy thuộc vào từng loại gùi, hai ông cháu có thể đan trong khoảng từ 7 - 10 ngày. Một chiếc gùi tùy vào kích cỡ, vật liệu sử dụng sau khi hoàn thiện có giá từ 100.000 – 500.000 đồng. Thời gian trước đây, khi còn khỏe ông ngoại thường tự vào rừng kiếm mây, tre, lồ ô về để làm vật liệu đan gùi, thu nhập cũng đủ để hai ông cháu trang trải sinh hoạt. Nhưng gần đây, do sức khỏe ông đã yếu, nguyên liệu đều phải nhập về nên một chiếc gùi hai ông cháu cũng chỉ lãi từ 50.000 – 100.000 đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu mua gùi lên nương rẫy của bà con trong buôn cũng giảm đáng kể bởi sự xuất hiện của nhiều vật dụng công nghiệp tiện lợi. Cuộc sống của hai ông cháu càng trở nên khó khăn. Hiện tại, ông ngoại Y Khueh Byă đã 86 tuổi, mắc bệnh viêm khớp, viêm phế quản mãn tính, thường xuyên phải nhập viện để điều trị. Mọi việc trong nhà đều do một tay Y Đương gánh vác.
Ngoài đan gùi, Y Đương cũng học đan thêm các sản phẩm từ tre như: nia, tấm cót, lồng chụp gà... để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Thu nhập tuy ít ỏi nhưng chàng trai khuyết tật này vẫn luôn nỗ lực từng ngày để duy trì cuộc sống. “Mong ước những sản phẩm đan từ mây, tre của hai ông cháu được nhiều người tiêu dùng biết đến, để vừa lưu giữ nét đẹp truyền thống và có thêm điều kiện cải thiện cuộc sống, chăm lo cho ông ngoại những ngày cuối đời” là niềm mong ước của Y Đương Niê.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc