Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hiệu quả Chương trình vệ sinh và nước sạch nông thôn theo hướng bền vững

08:15, 29/09/2022

Sử dụng hiệu quả và phát huy nguồn lực Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là Chương trình), tỉnh Đắk Lắk đã và đang hiện thực hóa mục tiêu nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng cường tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh nông thôn.

Phát huy hiệu quả nguồn vốn

Sau thời gian dài hoạt động cầm chừng, cuối năm 2017, công trình cấp nước tập trung tự chảy Thăng Lễ, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) đã được đầu tư gần 4,2 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình để cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2019; do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý. Đến nay, công trình đã đấu nối cấp nước sinh hoạt cho 379 hộ (đạt 99,73% công suất thiết kế), góp phần nâng tỷ lệ số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn xã lên 94,16%.

Cán bộ quản lý công trình cấp nước Thăng Lễ (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) kiểm tra việc cấp nước tại hộ dân trên địa bàn xã.

Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Ea Păl, huyện Ea Kar) có 830 học sinh của 3 xã: Ea Păl, Cư Ni, Ea Ô. Trước đây, công trình vệ sinh cũ của trường có quy mô nhỏ, lại được xây gần khu phòng học gây bất tiện và chưa đáp ứng nhu cầu của học sinh. Sau khi khảo sát, trường đã được hỗ trợ 310 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình để xây dựng công trình vệ sinh khép kín với 2 khu nam, nữ riêng biệt, có điểm rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, được đưa vào sử dụng cuối năm 2019. Để nâng cao hiệu quả sử dụng công trình và duy trì bền vững, nhà trường đã lồng ghép tuyên truyền cho học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ công trình, sử dụng nước tiết kiệm.

Giai đoạn 2016 - 2022, Chương trình có tổng kế hoạch vốn trên 247 tỷ đồng, được UBND tỉnh giao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành y tế và ngành giáo dục - đào tạo triển khai thực hiện. Trong đó, hợp phần cấp nước nông thôn trên 212,8 tỷ đồng, hợp phần vệ sinh nông thôn hơn 21,1 tỷ đồng và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát đánh giá trên 13,1 tỷ đồng.

Đến nay, tỉnh đã thực hiện giải ngân trên 186,77 tỷ đồng cho cả 3 hợp phần, hoàn thành và vượt một số mục tiêu của Chương trình như: thực hiện 33/30 xã vệ sinh toàn xã (vượt 10% số xã); số hộ có hệ thống cấp nước bền vững sau 2 năm sử dụng từ công trình cấp nước bền vững là 7.253/5.765 hộ; hoàn thành các chỉ số “mềm” về kế hoạch tăng cường năng lực, truyền thông, báo cáo... Sau gần 7 năm triển khai, Chương trình đã phát huy hiệu quả nguồn vốn, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân nông thôn.

Duy trì, phát huy theo hướng bền vững

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình đã góp phần tăng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 96,21%; nâng tỷ lệ hộ gia đình toàn tỉnh sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh lên 80% và hoàn thành mục tiêu thực hiện chỉ tiêu số 17 về môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tăng cường sức khỏe cho người dân. Thông qua các hoạt động truyền thông đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, thay đổi nhận thức, hành vi về nước sạch, vệ sinh.

Khu nhà vệ sinh của Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Ea Păl, huyện Ea Kar) được hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình.

Tiếp tục thực hiện Chương trình, trong tháng 8/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch thực hiện năm 2022 với tổng số vốn trên 59,29 tỷ đồng. Theo đó, các sở, ngành liên quan sẽ tiếp tục triển khai thi công 4 tiểu dự án gồm: nâng cấp, sửa chữa, mở rộng công trình cấp nước xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), xã Bình Hòa (huyện Krông Ana), xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) thi công xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Ral (huyện Ea H’leo). Bên cạnh đó, Chương trình cũng đầu tư nâng cấp, sửa chữa 1 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế; tổ chức thực hiện truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh, tăng cường năng lực, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện…

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phạm Ngọc Bình cho biết, Chương trình chính thức đóng sổ khoản vay vào tháng 7/2023. Vì vậy, để tiếp tục phát huy hiệu quả sau đầu tư, các cấp, các ngành, địa phương tập trung tuyên truyền sâu rộng tới người dân về lợi ích sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, hộ gia đình, cá nhân; tuyên truyền, vận động các hộ đầu tư xây dựng và cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác nước sạch, vệ sinh môi trường; quản lý, vận hành hiệu quả, bền vững các công trình đã được đầu tư. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát công trình vệ sinh tại trường học, trạm y tế, khắc phục ngay những công trình nào bị hư hỏng do quá trình sử dụng.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, Chương trình đã đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp mở rộng và xây mới 12 công trình cấp nước nông thôn, đấu nối sửa dụng nước cho 14.283 hộ (vượt mục tiêu 283 hộ); xây mới, nâng cấp, cải tạo 118 công trình cấp nước và vệ sinh trường học; nâng cấp, sửa chữa 67 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 4.400 hộ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.