Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Đề án sáp nhập trường học ở huyện Lắk: Điều chỉnh để phù hợp thực tế

08:23, 26/09/2022

Sau hơn 4 năm (2018 - 2022) triển khai Đề án sắp xếp tổ chức lại mạng lưới giáo dục, toàn huyện Lắk mới sáp nhập được 1/5 trường (đạt 20% kế hoạch). Chặng đường thực hiện nhiệm vụ này còn dài và cần điều chỉnh một số nội dung phù hợp với thực tế.

Năm 2018 toàn huyện Lắk có 43 trường học từ bậc mầm non đến THCS và 1 nhóm trẻ, với 117 điểm trường, 538 lớp học và 15.085 học sinh. Việc tồn tại quá nhiều điểm trường dẫn tới nhiều bất cập, khó khăn trong việc đầu tư xây dựng chuẩn, tốn kém ngân sách nhà nước. Học sinh tại các điểm trường lẻ chịu nhiều thiệt thòi, mất sự công bằng về hưởng thụ trong giáo dục. Mặt khác, về cơ sở vật chất còn phải học nhờ, mượn của các bậc phổ thông và nhà cộng đồng của thôn, buôn nên thiếu công trình vệ sinh, thiếu hàng rào, sân chơi, khu tập luyện tập thể dục thể thao…

Từ những tồn tại nêu trên, để đáp ứng yêu cầu về giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, ngày 5/7/2018 UBND huyện Lắk đã ban hành Đề án 132/ĐA-UBND quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn giai đoạn 2018 – 2021, định hướng đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 132). Theo đó, giai đoạn 2018 – 2021, huyện Lắk thực hiện sáp nhập 5 trường học và xóa bỏ 38 điểm trường. Đề án nhận được sự đồng thuận của các trường học, cán bộ, giáo viên và phụ huynh, học sinh trên địa bàn huyện.

Theo Đề án 132, điểm Trường THCS Lê Qúy Đôn và Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Buôn Triết, huyện Lắk) sẽ sáp nhập thành Trường Tiểu học và THCS Lê Đình Chinh.

Thực hiện Đề án 132, Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh và Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (cùng đứng chân trên địa bàn xã Đắk Liêng) là hai đơn vị đầu tiên thực hiện sáp nhập. Trước thời điểm sáp nhập, Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh có 146 học sinh, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ có 189 học sinh, đến tháng 9/2021 thì hai trường đã hoàn thành việc sáp nhập và lấy tên trường mới là Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Năm học 2022 - 2023 toàn trường có 336 học sinh. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ Vũ Thị Phượng cho hay, đến nay, sau một năm thực hiện sáp nhập, công tác dạy và học của giáo viên và học sinh ổn định. Về nhân sự, hiện nay trường còn dư 3 giáo viên môn chuyên, 1 nhân viên và trong năm học này đã hoàn thành hồ sơ để tiếp tục bố trí số giáo viên, nhân viên dôi dư này về các đơn vị còn thiếu. Bên cạnh những thuận lợi, sau khi sáp nhập, trường gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất như: còn thiếu nhà hiệu bộ, nhà đa năng và bếp nấu ăn phục vụ công tác bán trú.

Cũng theo kế hoạch Đề án 132, điểm lẻ của Trường THCS Lê Quý Đôn và Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (cùng đứng chân tại buôn Tung 2, xã Buôn Triết) sẽ sáp nhập thành Trường Tiểu học và THCS Lê Đình Chinh. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh Bùi Xuân Hiệu, theo chương trình giáo dục mới, năm học này trường buộc phải xây dựng một phòng tin học nhưng không có kinh phí. Trong khi đó, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh và điểm Trường THCS Lê Quý Đôn nằm đối diện nhau, hiện cơ sở vật chất của điểm Trường THCS Lê Quý Đôn đủ điều kiện để phục công tác giảng dạy và học tin học. Do đó, việc sáp nhập là thực sự cần thiết đối với giáo viên, học sinh nơi đây. Bởi thực tế hiện nay, ở Trường Tiểu học Phan Chu Trinh đang tồn tại tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên môn chuyên như: âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, thể dục, do số lớp ít nên các giáo viên này sẽ không đủ số tiết tiêu chuẩn, gây lãng phí về nhân lực. Khi sáp nhập thì các giáo viên môn chuyên này sẽ kết hợp dạy được 2 cấp học, đảm bảo được số tiết đứng lớp theo tiêu chuẩn. Hiện hai đơn vị đã chuẩn bị đủ các điều kiện để sẵn sàng cho công tác sáp nhập.

Có thể khẳng định, việc sắp xếp mạng lưới trường học cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương và các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực, cơ sở vật chất hiện có, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục là nhu cầu tất yếu. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án 132 còn chậm, chưa đảm bảo theo lộ trình.

Trao đổi về vấn đề này, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lắk Nguyễn Văn Ngọc cho biết, theo Đề án 132, ở khu vực thị trấn Liên Sơn sẽ sáp nhập các Trường Tiểu học Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Thị Minh Khai, tuy nhiên nếu sáp nhập hai trường này sẽ vượt quá số lớp theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ GD-ĐT ban hành tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT có nhiều cấp học. Tương tự, ở các xã vùng sâu, vùng xa như Nam Ka, Ea R’bin, Buôn Triết hiện tồn tại một số trường THCS quy mô quá nhỏ, trong khi Đề án 132 lại chưa có kế hoạch sáp nhập nên cần điều chỉnh bổ sung sáp nhập các trường này với một số điểm trường tiểu học thành mô hình trường có 2 cấp học (trường tiểu học và THCS) để thuận tiện trong công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Từ thực tiễn này, Phòng đã tham mưu UBND huyện sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án 132 vừa phù hợp với Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội khóa XIV và Thông tư số 13 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Tính đến tháng 9/2022, toàn huyện Lắk đã xóa bỏ được 27/38 điểm trường theo kế hoạch đề ra, đạt 71,5%. Trong đó, bậc mầm non xóa được 14/20 điểm trường; bậc tiểu học xóa được 12/17 điểm trường và bậc THCS xóa được 1/1 điểm trường.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.