Multimedia Đọc Báo in

Tích cực phòng, chống suy dinh dưỡng qua điều tra, giám sát tại cộng đồng

08:55, 14/09/2022

Những năm qua, nhằm nâng cao chất lượng dân số, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi được ngành y tế đặc biệt quan tâm, chú trọng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, điều tra, giám sát đánh giá tình trạng dinh dưỡng tại cộng đồng là một hoạt động quan trọng, cần thiết, góp phần tích cực phòng, chống suy dinh dưỡng.

Điều tra, giám sát tình trạng suy dinh dưỡng được tổ chức hằng năm để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi nhằm thu thập và theo dõi biến động tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong chăm sóc trẻ với mục tiêu giảm dần tỷ lệ suy dinh dưỡng và khống chế tỷ lệ thừa cân, béo phì trên địa bàn tỉnh.

Đo chiều cao theo dõi sự tăng trưởng của trẻ tại Trạm Y tế thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc). Ảnh: Đình Thi

Năm 2022, hoạt động điều tra giám sát tình trạng dinh dưỡng cho trẻ do khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phụ trách được triển khai trong hai tháng 8 và tháng 9 tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Tại mỗi xã, đoàn giám sát lựa chọn ngẫu nhiên các cụm thôn, buôn, tổ dân phố và lựa chọn một số trẻ dưới 5 tuổi để đánh giá các chỉ số nhân trắc. Trung bình một xã chọn 54 trẻ. Sau khi có đủ số trẻ tham gia, khoa Dinh dưỡng phối hợp với trạm y tế cân, đo cho trẻ, kết hợp tư vấn về phương pháp nấu cháo cho trẻ ăn dặm, tư vấn chế độ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và bà mẹ cho con bú bằng nguồn thực phẩm sẵn có trong gia đình; đồng thời thu thập số liệu nhân trắc của bà mẹ và trẻ dưới 5 tuổi, khảo sát thông tin trẻ khi sinh và quá trình bổ sung vi chất cho trẻ, khảo sát thông tin bổ sung vi chất thời kỳ mang thai và sau sinh của bà mẹ, khảo sát kiến thức chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ dưới 5 tuổi của bà mẹ… Cùng với đó, đoàn còn phỏng vấn bà mẹ có con được điều tra dinh dưỡng về kiến thức nuôi dưỡng trẻ nhỏ như: trẻ có được bú mẹ trong vòng 6 tháng đầu và đến 24 tháng tuổi hay không, chế độ ăn bổ sung ăn dặm, đồng thời đánh giá kiến thức thực hành của các bà mẹ…

Bác sĩ tư vấn cách bổ sung dinh dưỡng và các vi chất hợp lý cho mẹ và bé. Ảnh: Đình Thi

Nhận được giấy mời đến Trạm Y tế thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) để được cân đo, tư vấn dinh dưỡng cho con gái 29 tháng tuổi, chị Nguyễn Như Yến ở khối 8, thị trấn Phước An cùng con gái có mặt tại Trạm Y tế thị trấn từ rất sớm. Sau khi hoàn thành việc cân đo và được các bác sĩ chẩn đoán cũng như tư vấn về tình trạng dinh dưỡng của con, chị Yến cho biết: “Con gái tôi bị suy dinh dưỡng cấp độ 1. Tôi không có nhiều kiến thức về chăm sóc cho trẻ, những thông tin tôi tìm hiểu phương pháp chăm sóc con cũng chỉ tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng nên khá chung chung và không biết con mình đang bị suy dinh dưỡng ở mức độ nào. Việc được gặp trực tiếp bác sĩ có chuyên môn tư vấn, chia sẻ kiến thức về phương pháp chăm sóc và chế độ dinh dưỡng cho trẻ khiến tôi được nâng cao kiến thức, không còn lo lắng trước tình trạng của con”. Tương tự, chị Huỳnh Thị Thu Sương ở khối 1, thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) cũng cho rằng hoạt động điều tra, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ là rất cần thiết bởi căn cứ vào đó để biết con mình đang trong tình trạng như thế nào và có can thiệp phù hợp, kịp thời.

Theo bác sĩ Vi Thị Huệ, Phó Khoa phụ trách khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ kết quả điều tra khảo sát tại cộng đồng sẽ có những đánh giá về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, nếu phát hiện nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, sẽ đưa ra các biện pháp can thiệp cụ thể nhằm giảm tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng. Chẳng hạn như tăng cường truyền thông trực tiếp và gián tiếp tại cộng đồng, chú trọng công tác tư vấn trực tiếp thông qua hoạt động khám, tổ chức nói chuyện chuyên đề hoặc lồng ghép tư vấn vào các chương trình, đề án về dinh dưỡng, chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Ngoài ra, hằng năm, thông qua chiến dịch bổ sung uống vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi, ngành y tế sẽ kết hợp việc bổ sung vitamin A, tẩy giun, đo chiều cao, cân nặng với việc tư vấn dinh dưỡng cho các bà mẹ hoặc người chăm sóc trẻ. Chiến dịch được thực hiện đồng loạt 2 lần/năm tại tất cả các xã, phường, thị trấn thuộc 15 huyện, thị, thành phố. Tại chiến dịch, các bà mẹ được tư vấn về tầm quan trọng của các vi chất đối với sự phát triển của trẻ; cách bổ sung các vi chất hợp lý, khoa học; dinh dưỡng hằng ngày thông qua các bữa ăn cho trẻ. Đồng thời, các bà mẹ mang thai và cho con bú cũng được các y, bác sĩ tư vấn dinh dưỡng, cách bổ sung dinh dưỡng và các vi chất hợp lý nhằm bảo đảm dinh dưỡng, sức khỏe cho mẹ và bé. Vào tuần lễ dinh dưỡng và phát triển hay tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ, khoa Dinh dưỡng sẽ đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện truyền thông trực quan như pa nô, áp phích, tờ rơi…

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.