Multimedia Đọc Báo in

Mạn đàm về “chuyển đổi số”

10:18, 10/10/2022

Ngày 10/10 được chọn là ngày “chuyển đổi số” Việt Nam. Tỉnh Đắk Lắk cũng chọn ngày này là ngày “chuyển đổi số” với chủ đề “Đắk Lắk hướng tới công dân số”. Nhân sự kiện này, xin mạn đàm về hàm nghĩa từ “chuyển đổi số” trong tiếng Việt để người nghe hiểu rõ hơn.

Tất nhiên ai cũng hiểu cụm từ “chuyển đổi số” được ghép bởi từ “chuyển đổi” và từ “số”. Trong đó, từ “chuyển đổi” được ghép bởi chữ “chuyển” có yếu tố Hán nhưng từ rất lâu đã được Việt hóa, với nghĩa cơ bản là di dời, di động, rời đi và chữ “đổi” là một từ tiếng Việt, được ghép theo chữ Nôm, với nghĩa cơ bản là thay chuyển, khác hẳn. Từ “chuyển đổi” theo các nghĩa từ cơ bản này, được hiểu là sự thay đổi, chuyển dịch khác đi. Từ này đã có từ lâu đời trong tiếng Việt.

Còn chữ “số” là một từ Hán Việt, mang nghĩa là con số, phép tính. Từ “số” cũng đã có từ lâu trong tiếng Việt.

 Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức dạy học trực tuyến.
Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức dạy học trực tuyến. (Ảnh minh họa) 

Tuy nhiên, “chuyển đổi số” là từ tiếng Việt mới phát sinh, không nằm trong ngôn ngữ tiếng Việt truyền thống, mà vừa xuất hiện ở tiếng Việt hiện nay, thuộc thời đại ứng dụng công nghệ và được dùng theo ngữ cảnh tiếng Việt hiện đại. Theo đó, khái niệm “chuyển đổi” được định nghĩa từ các nhà chuyên môn, là một quy trình quản lý hiện đại, cập nhật, với hai chủ thể áp dụng khác biệt.

Chữ “chuyển” với nghĩa di dời, sẽ được nhằm vào cấp quản lý quy trình, thể hiện nghĩa: người lãnh đạo phải thay chuyển quan điểm, tư duy chỉ đạo của mình, chịu khó hoán chuyển cách thức quản lý.

Chữ “đổi” với nghĩa khác đi, lại được vận dụng nhằm vào đội ngũ thực hiện quy trình, bộ phận cấp dưới, thể hiện nghĩa: người thừa hành phải làm mới cách làm việc của mình, cải tiến hành động của mình.

Chữ “số”, lại được vận dụng theo nghĩa rút ngắn từ từ “số hóa”, nhằm vào quy trình ứng dụng công nghệ thông tin để thay đổi, đổi mới, rút ngắn và tinh gọn hơn các quy trình, cách thức làm việc. Giải pháp “số hóa” được xem là tiền đề thay đổi quan trọng trong thế kỷ 21 của loài người, kết quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc, quy trình và môi trường làm việc của xã hội loài người theo hướng văn minh và hiện đại hơn.

Như thế, “chuyển đổi số” được khi phân tích từ ngữ trong bối cảnh áp dụng, là định nghĩa chính xác về một quy trình có ba đối tượng tham gia: người lãnh đạo phải thay chuyển tư duy quản lý của mình, chấp nhận sự chuyển biến mới trong hoàn cảnh mới; người thực hiện (nhân viên, cấp dưới) phải mạnh dạn đổi mới cách làm việc, cách hành động đúng với hoàn cảnh mới; cả hai đối tượng này phải hành động theo hướng áp dụng đối tượng thứ ba, là các công cụ, thành tựu số hóa từ lĩnh vực công nghệ thông tin vào quy trình làm việc, để đạt được kết quả tốt nhất, góp phần sáng tạo và làm mới chính công tác quản lý, giám sát đó.

Thực tế cho thấy, nếu thiếu đi một trong ba đối tượng, quá trình “chuyển đổi số” sẽ không thể diễn ra, và nếu có diễn ra, cũng không thể có được những kết quả như mong muốn, thực chất sẽ chỉ là hình thức bề nổi bên ngoài mà thôi. Từ dùng “chuyển đổi số”, vì vậy phải được hiểu một cách tích cực, nhằm vào môi trường, điều kiện và quy trình đổi mới làm việc, ứng dụng công nghệ 4.0 trong các lĩnh vực và hoạt động, công tác xã hội, kinh tế hiện nay.

Ngày “chuyển đổi số” Việt Nam, hay của tỉnh Đắk Lắk, là dấu ấn chủ quan ghi lại một thời điểm vận động và khích lệ hành động trong cộng đồng người Việt Nam và riêng tại địa phương, về quá trình và từng kết quả cụ thể của công cuộc “chuyển đổi số” toàn diện xã hội; tôn vinh, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quy trình quản lý, giám sát, phát triển đời sống kinh tế - xã hội.

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.