Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ

08:34, 20/10/2022

Phát huy phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, thời gian qua cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, khắc phục khó khăn để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong gia đình và xã hội.

Làm chủ kinh tế

Với diện tích vườn gần 2 ha, trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Thủy, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) chỉ trồng cà phê nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tổ chức, chị Thủy đã mạnh dạn chuyển đổi trồng xen tiêu và một số cây ăn trái khác như táo, sầu riêng, vú sữa. Ngoài ra, gia đình chị còn kết hợp nuôi trồng thủy sản. Nhờ nhạy bén trong phát triển kinh tế, đến nay nguồn thu nhập của gia đình chị Thủy đã tăng gấp 4 - 5 lần so với trước. Đó cũng là điều kiện thuận lợi để chị Thủy cùng các chị em trong xã tham gia các hoạt động mà Hội Phụ nữ cấp trên phát động.

Hội viên Hội Phụ nữ phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột mua bán thực phẩm không dùng túi nilon để hưởng ứng phong trào "Phụ nữ nói không với rác thải nhựa".

Từ một hộ nghèo ở địa phương, sau khi được Hội LHPN huyện Cư M’gar hỗ trợ tham gia mô hình "Phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ thay đổi nếp nghĩ, cách làm", gia đình chị H’Muă Ayun ở buôn Sah B (xã Ea Tul) đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập bình quân mỗi năm gần 200 triệu đồng. Chị H’Muă tâm sự: “Không chỉ hỗ trợ gia đình chuyển đổi gần 1 ha cà phê già cỗi, kém năng suất sang trồng xen canh các loại cây ăn trái có giá trị như sầu riêng, bơ, tiêu, mít, Huyện Hội còn hỗ trợ vốn để gia đình tôi chăn nuôi dê. Từ 2 con dê giống ban đầu, đến nay đã nhân lên được 10 con, nhờ đó thu nhập của gia đình ngày càng được cải thiện, có thêm điều kiện chăm lo cho con cái học hành”.

 

“Việc đa dạng các hoạt động hỗ trợ chị em trên các lĩnh vực đã góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo tốt hơn quyền lợi chính đáng của phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện và xây dựng gia đình bền vững” - Tô Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã thay đổi tư duy, chuyển hướng làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập cho gia đình. Thời gian qua, để cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ, giúp phát triển kinh tế bền vững, Hội LHPN tỉnh đã phát động nhiều phong trào thi đua như: “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh”, “Hỗ trợ phụ nữ nghèo làm chủ hộ các xã biên giới phát triển kinh tế”; xây dựng các mô hình “An toàn cho phụ nữ trong phát triển kinh tế”; “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” đến cán bộ, hội viên phụ nữ. Từ những hỗ trợ thiết thực về vốn, khoa học kỹ thuật đến nay đã có nhiều hội viên phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất để tăng giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi.

Đi đầu trong các phong trào, hoạt động

Thành lập từ tháng 9/2020 với mục đích vận động hội viên, phụ nữ chấp hành tốt việc đổ rác đúng nơi quy định, tham gia tổng vệ sinh môi trường làm sạch đường, ngõ phố, đến nay mô hình “Thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bảo vệ môi trường” của Chi hội phụ nữ tổ dân phố 5, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) đã đi vào hoạt động ổn định. Với hơn 40 thành viên tham gia, bình quân mỗi tháng mô hình thu được từ 100 - 150 kg phế liệu các loại như vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, sắt, giấy vụn… để bán gây quỹ hỗ trợ đột xuất cho chị em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chị Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar chia sẻ: “Thu gom phế liệu gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bảo vệ môi trường” là một trong những mô hình điểm của phụ nữ, hoạt động khá hiệu quả tại địa phương. Mô hình đã hình thành được thói quen cũng như ý thức bảo vệ môi trường không chỉ của hội viên phụ nữ mà còn cả người dân ở tổ dân phố 5. Từ khi mô hình thu gom rác thải được thành lập đến nay, trên các tuyến đường của tổ dân phố 5 luôn sạch đẹp, người dân đã có ý thức hơn, không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường".

Cán bộ, hội viên phụ nữ TP. Buôn Ma Thuột trưng bày, giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ trên địa bàn.

Nhiều năm qua, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã tham mưu triển khai thực hiện nhiều công trình, mô hình, phần việc thể hiện tinh thần, trách nhiệm, tính nhân văn, nghĩa cử cao đẹp của nữ chiến sĩ công an đối với cộng đồng và xã hội. Từ năm 2016 đến nay, Hội đã vận động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành tổ chức 50 đợt hoạt động tình nguyện hướng về cơ sở. Trong đó đã xây tặng 15 nhà Tình nghĩa, 8 lớp học tình thương, 4 công trình vệ sinh, 4 công trình nước sạch, 2 bếp ăn bán trú, tặng 50 giàn máy vi tính, 20 bồn nước, 100 sổ tiết kiệm, trên 8.000 suất quà cho các gia đình phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo vượt khó học giỏi tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương của Tổ quốc với trị giá trên 10 tỷ đồng.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, nữ công nhân viên chức lao động trên địa bàn tỉnh đã ra sức thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao dù ở bất kỳ cương vị nào. Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, đã có 10.392 lượt sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học của chị em được áp dụng vào quá trình công tác, sản xuất, quản lý kinh tế, cải cách hành chính làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Từ các phong trào thi đua, đã có 3.935 chị được kết nạp vào Đảng, 7.519 chị được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử vào các chức danh của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.