Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với phụ nữ Việt Nam

16:48, 15/10/2022

Sáng 15/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đối thoại với phụ nữ Việt Nam về chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế xã hội”.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, đại diện lãnh đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố, đại diện phụ nữ các hợp tác xã, kinh tế tập thể, hội viên, phụ nữ tiêu biểu của tỉnh.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk

Với 3 chủ đề chính (Phụ nữ với phát triển kinh tế; Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; Phụ nữ và thế hệ tương lai), tại hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề thiết thân đối với phụ nữ trong giai đoạn hiện nay như: Những giải pháp gì để phụ nữ chủ động tham gia các hợp tác xã, tham gia các chuỗi giá trị sản xuất kinh tề tuần hoàn; phát huy vai trò của phụ nữ trong quá trình xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, phát huy vai trò của phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học công nghệ; công nhận, ghi danh các giá trị liên quan đến áo dài Việt Nam; các chính sách liên quan đến y tế đối với phụ nữ; giải pháp để giải quyết vấn đề phụ nữ di cư trở về, nhất là việc nhập quốc tịch và đăng ký khai sinh cho trẻ em khi theo mẹ trở về và các chính sách hỗ trợ phụ nữ tái hòa nhập, ổn định vươn lên trong cuộc sống…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh chụp màn hình).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành đã trực tiếp trả lời các câu hỏi nêu ra trong hội nghị. Thủ tướng khẳng định, thời gian qua Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp… Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Từ đầu năm 2022 tới nay, Thủ tướng cũng đã có các cuộc gặp gỡ, đối thoại với nhiều đối tượng, nông dân, người lao động, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng nhau chia sẻ, tìm các giải pháp thiết thực, hiệu quả, xử lý những khó khăn đang hiện hữu và cả trong tương lai. Các đơn vị có liên quan cần nhìn lại những việc đã làm được, chưa làm được để tiếp tục có các giải pháp nhằm cải thiện, tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc, cống hiến của chị em phụ nữ ngày càng tốt hơn.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.