Multimedia Đọc Báo in

Xin đừng lắp ghép rối nghĩa!

08:54, 02/10/2022

Tự ý tạo nên những từ mới bằng việc lắp ghép tùy tiện, không đúng nguyên tắc và nhất là rối nghĩa đang là hiện tượng phổ biến trong cộng đồng người dùng tiếng Việt hiện nay.

Phải chăng đã đến lúc, các nhà ngôn ngữ học, các tổ chức giáo dục, nghiên cứu phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này, để bảo vệ sự trong sáng, rõ ràng của tiếng Việt?

Nhà văn Nguyễn Một (TP. Hồ Chí Minh) vừa lên tiếng trên trang cá nhân của mình về tình trạng lan tràn những kiểu viết sai, viết tối nghĩa trong tiếng Việt lâu nay, đến mức đe dọa ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ. Ông nhấn mạnh: “Ví dụ, “trọc phú” đã được từ điển giải thích là người giàu vật chất mà thiếu kiến thức. Vì vậy, cụm từ ghép “trọc phú kiến thức” chính là sự gán ghép không có nghĩa”. Vậy nhưng trong những ngày gần đây, dư luận ồn ào, xôn xao tranh luận quanh cụm từ này, xuất phát từ phát biểu của một người nổi tiếng trên mạng xã hội. Sự quan tâm ấy khiến nhiều người biết đến cụm từ ghép này, như là một từ ngữ chính thức, có nội dung trong giao tiếp ngữ nghĩa tiếng Việt.

Ấn phẩm do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2016. Ảnh: Internet
Ấn phẩm do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành năm 2016. Ảnh: Internet

Điều đáng nói, theo nhà văn Nguyễn Một, tình trạng lắp ghép tùy tiện để tạo ra những từ không có nghĩa, rối nghĩa đã phổ biến trong xã hội chúng ta, trong từ ngữ phát ngôn của mọi người mà dường như chẳng ai quan tâm cả. Chỉ cần để ý, chúng ta sẽ phát hiện ra hàng loạt những từ ghép sai và dùng sai như vậy, ví dụ “khả năng trời mưa”, “ngày sinh nhật”, “đa phần”… Ở văn bản hành chính chính thức của Nhà nước cũng xuất hiện những từ ghép “ngược nghĩa” mà ai học ngôn ngữ cũng phải “thấy ngờ ngợ”; điển hình như “cách ly tập trung”, “xử lý nghiêm”… Người dùng gần như không hiểu được, từ “cách ly” đã có nghĩa là khu biệt, tách rời ra, thì làm sao lại đi cùng từ “tập trung”, là nhóm gộp lại, gắn liền lại? Một vấn đề đã được đưa ra “xử lý”, tất nhiên phải rõ ràng và nghiêm túc, tại sao lại có thể gắn thêm chữ “nghiêm” phía sau?

Ngoài ra, trong các văn bản hành chính, còn có hiện tượng ghép từ theo kiểu “tiết giản” một cách khiên cưỡng, sai lệch, nhưng không ai đề cập đến tính phi lý trong đó, và ai cũng dùng, dẫn đến ai cũng mặc nhiên thừa nhận đó là từ đúng. Ví dụ hai từ Hán Việt “phối hợp” và “kết hợp”, chỉ hai phạm trù nghĩa rất khác nhau, nhưng lại được số đông người dùng, cả trong văn bản hành chính, cả trong chỉ đạo lãnh đạo, ghép lại thành “phối kết hợp”, một từ đọc lên đã thấy rối nghĩa. Tương tự, nhiều người quen “khẩu ngữ” nói từ “cụ tỉ”, mà không để ý, đây là hai từ Hán Việt độc lập chẳng thể ghép lại được: “cụ thể” và “tỉ mỉ”. Đó là chưa nói đến những cách kết hợp từ Hán Việt với thuần Việt để tạo ra những từ mới hoàn toàn không nằm trong từ điển tiếng Việt, như “khai màn” (ghép từ “khai mạc” với “mở màn”), “cát tặc” (ghép từ “đất cát” với “đạo tặc”)…

Kéo theo những cách thức ghép từ tùy tiện cẩu thả này, trong văn bản hằng ngày, nhất là trên báo chí, xuất hiện nhiều hiện tượng tạo ngữ, tạo câu tối nghĩa, dễ gây nhầm lẫn tai hại cho người dùng. Đơn cử những tít đề “luật sư bảo vệ bé gái bị sát hại”, “cảnh sát khuyên can người thanh niên nhảy cầu tự tử”… khi đọc lên đã gây hiểu lầm ở người đọc. Một số từ ngữ khác còn bị dùng sai khi tạo câu, bởi người dùng không hiểu nghĩa từ; ví dụ “lượng mưa kéo dài đã gây ngập úng nhiều nơi”, người dùng không phân biệt được lượng mưa phải biểu hiện ở mức độ “to hay nhỏ” chứ không thể theo nghĩa “dài hay ngắn”…

Đáng tiếc là thực trạng từ tiếng Việt bị cắt ghép tùy tiện như vậy ngày càng phổ biến, nhưng việc chấn chỉnh lại không được quan tâm. Hậu quả, nhiều người tự “chế biến”, tạo những từ ngữ mới một cách chủ quan, sai lệch nghiêm trọng so với tiếng Việt. Khi hành động này đi vào trong văn bản bộ máy quản lý, hành chính nhà nước, tổn thất xã hội sau đó khó đong đếm được. Đơn cử vụ việc từ “thu giá” được hình thành, giải thích một cách khiên cưỡng, lộ liễu quá mức, bị phản ứng kịch liệt, song trong một giai đoạn vẫn được Bộ Giao thông vận tải áp dụng cứng nhắc với các trạm thu phí đường bộ…

Bởi những hệ lụy và thực trạng đó, thật sự đã đến lúc, những người có trách nhiệm, các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học phải lên tiếng và có động thái tích cực chấn chỉnh, triệt tiêu dứt điểm thói quen, nhận thức cẩu thả về nạn lắp ghép tiếng Việt tùy tiện. Công tác tuyên truyền về tiếng Việt, theo đó cũng cần được nhìn nhận lại thấu đáo và phổ biến hơn, giúp cho cộng đồng có những cách nhìn, cách học tập, áp dụng tiếng Việt đúng bối cảnh, ngữ nghĩa, tránh bị xuyên tạc, méo mó… Nhất là, hiện tượng một số câu từ tiếng Việt gần đây bị chuyển thành từ lóng, từ viết tắt ở giới trẻ một cách tùy tiện, sẽ có thể gây ra những hệ lụy kéo dài, làm đứt gãy giá trị chân chính tiếng mẹ đẻ!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.