Bàn về chữ học
Định nghĩa về sự học của mỗi người để tiếp nạp kiến thức, trau dồi tri thức mà trưởng thành, trong tiếng Việt, phổ biến có bốn chữ học. Ấy là học tập, học hành, học vấn và học thức. Bốn chữ này, thật ra tương quan với nhau, là bốn phân kỳ của con đường học tập.
Thứ nhất, là học tập. Chữ "tập" nghĩa là bắt chước, làm theo. Học tập có nghĩa là học theo người khác, lặp lại đúng những gì người khác bày vẽ cho. Điều này, là đứa trẻ học vỡ lòng, người lớn dạy gì thì làm đúng y vậy, từ tập tô nét, học chữ cái, đánh vần, cho đến những kiến thức sơ đẳng nhất trong giao tiếp sinh hoạt, đi lại… Trong thực tế, với đối tượng học tập, người xưa mặc định gọi là học sinh, học trò…
Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Thứ hai, là học hành. Chữ "hành" có nghĩa là động tác, thực thi, tức việc làm thể hiện ra. Học hành, có nghĩa là tiếp nạp được kiến thức rồi thì áp dụng vào thực tế, hành động thực tế. Kiến thức như thế, được áp dụng vào công việc, tình huống xử lý cụ thể để không thể là lý thuyết suông. Người học hành là tiến bộ hơn học tập một bước, biết đưa kiến thức vào cuộc sống, ứng vào bối cảnh cụ thể, qua đó có thêm kiến thức, mở mang thêm hiểu biết. Trong thực tế, với đối tượng học hành, người xưa mặc định gọi là học viên.
Thứ ba, là học vấn. Chữ "vấn" trong Hán tự chính là câu hỏi. Học vấn, tức học hỏi, nghĩa là đem những kiến thức học được đặt thành điều nghi vấn để tra cứu, hỏi thêm người dạy, nhằm làm sáng tỏ thêm kiến thức ấy. Người có học vấn, nghĩa là người có kiến thức, có thực hành, biết đặt thêm vấn đề mới, những câu hỏi phản biện nhằm bồi dưỡng thêm kiến thức cho mình. Học vấn, như thế là sự phát triển thêm từ năng lực học hành.
Thứ tư, là học thức. Chữ "thức" nghĩa là hiểu biết, nhận ra. Học thức, tức là từ những điều đã học, nghiệm ra những điều mới, tự nhìn thấy các vấn đề tương quan mà mở rộng kiến thức của mình. Người có học thức là đã vượt qua ba giai đoạn học tập, học hành, học vấn, để tiến thêm một bước, tự sáng tạo, mở rộng kiến thức với những suy nghĩ, lập luận của chính mình. Học thức, chính là giai đoạn cuối của quá trình học. Thực tế, người đến trình độ có học thức, là học giả, và hơn nữa, chính là các bác học, những người phát minh kiến thức mới, đi trước thời đại và soi tỏ cho những người khác.
Như vậy, bốn chữ học trong tiếng Việt chính là định nghĩa rõ ràng những phân kỳ, cấp bậc học của mỗi người. Ai cũng cần từ học tập tới học hành để có được thực tế và kiến thức, sau đó tiến tới củng cố học vấn, mở rộng tư duy phản biện, cuối cùng chủ động nhận thức vấn đề. Bốn giai đoạn tiếp nhận kiến thức và học hành của con người, qua bốn chữ học như vậy, thật sự là điều cần biết để cắt nghĩa rõ hơn con đường học tập của mỗi người.
Nhân Ngày Hiến chương nhà giáo, bàn lại chữ học như vậy, để thấu hiểu hơn con đường tri thức nhân loại là rất gian nan, nếu không có sự tâm huyết dẫn dắt của những người thầy, người cô sẽ không thể thành được. Ơn đức của những người thầy, người cô dẫn dắt từng thế hệ đi qua bốn giai đoạn trau dồi kiến thức đáng được tôn vinh suốt đời!
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc