Multimedia Đọc Báo in

Chương trình nước sạch - vệ sinh nông thôn: Người dân hưởng lợi từ tính bền vững và hiệu quả

07:48, 30/11/2022

Với quy định giải ngân dựa trên kết quả, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, vay vốn của Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là Chương trình) theo hướng bền vững, hiệu quả, hướng đến đối tượng được thụ hưởng.

Một trong những công trình được xây dựng mới từ nguồn vốn của Chương trình là công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) với tổng kinh phí trên 14,95 tỷ đồng. Công trình vận hành đầu năm 2020, có công suất thiết kế 480 m3/ngày đêm, đã đấu nối miễn phí cho 950 hộ thuộc 9 thôn, buôn trên địa bàn xã với tiêu chuẩn 60 lít/người/ngày đêm, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Nhân viên quản lý công trình  cấp nước sinh hoạt xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc) kiểm tra hệ thống vận hành của công trình.

Để duy trì bền vững công trình, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã bố trí nhân viên phụ trách vận hành công trình, bơm, xử lý hóa chất khử khuẩn, vệ sinh bể lắng, bể lọc, điều tiết nguồn nước đến các hộ, ghi chỉ số đồng hồ, thu tiền sử dụng nước và sửa chữa những hư hỏng nhỏ, tránh thất thoát nước; đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm.

Định cư ở thôn 3 (xã Tân Tiến) hơn 26 năm, đã quen với việc sử dụng nước giếng nhưng khi được cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cùng chính quyền địa phương thông báo về chủ trương đầu tư xây dựng công trình, lợi ích của việc sử dụng nguồn nước sạch, gia đình bà Huỳnh Thị Danh đã đăng ký đấu nối. Bà Danh cho biết: “Những hộ đăng ký ngay từ đầu đều được lắp đặt miễn phí đường ống, đồng hồ, kéo nước về tận nhà, rất thuận tiện. Nước giếng chỉ sử dụng để tắm giặt, tưới cây, còn nước sạch từ công trình đã qua xử lý gia đình dùng để nấu ăn, uống, vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm vệ sinh”.

Theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phạm Ngọc Bình, Chương trình đã phát huy hiệu quả và tính bền vững nhờ việc triển khai dựa trên kết quả đầu ra. Đến cuối năm 2021, Chương trình đã giải ngân được trên 186,77 tỷ đồng đúng mục đích và đã được kiểm đếm. Năm 2022, tổng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình trên 59,29 tỷ đồng đã và đang được các sở, ngành, địa phương triển khai thi công hoàn thiện các dự án với mục tiêu đấu nối cấp nước cho 2.350 hộ và duy trì bền vững các chỉ số.

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) được nâng cấp, mở rộng từ nguồn vốn của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” đã cấp nước ổn định cho người dân.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vũ Đức Côn cho biết: Với sự quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương, tính đến hết năm 2021, Đắk Lắk là tỉnh đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên và trong nhóm 5/21 tỉnh đã hoàn thành tất cả các chỉ số giải ngân theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Chương trình đã góp phần nâng cao số hộ và tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch. Toàn tỉnh có 116 công trình cấp nước và vệ sinh trường học, 30 trạm y tế được cải thiện chất lượng, hoạt động hiệu quả.

Đến cuối năm 2021, Chương trình đã đấu nối được 14.239/14.000 hộ, hoàn thành mục tiêu cả giai đoạn; có 33/30 xã đạt “Vệ sinh toàn xã”; số hộ có hệ thống cấp nước bền vững sau hai năm sử dụng từ công trình cấp nước bền vững là 7.726/5.765 hộ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.