Đổi mới hình thức truyền thông để tiếp cận người tham gia BHXH, BHYT
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban cán sự đảng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Trong buổi truyền thông trực tiếp tại chợ Pơng Drang, cán bộ BHXH huyện Krông Búk và các nhân viên Bưu điện huyện đã tuyên truyền và giải đáp những thắc mắc của các tiểu thương về chính sách BHYT, BHXH tự nguyện một cách dễ nghe, dễ nhớ và dễ hiểu nhất, đồng thời hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID trên điện thoại di động để theo dõi các thông tin, quyền lợi của mình trong quaá trình tham gia BHXH, BHYT.
Chị Nguyễn Thị Thương, nhân viên Bưu điện huyện Krông Búk, phụ trách dịch vụ BHXH, BHYT tại đơn vị chia sẻ, khi đi tuyên truyền trực tiếp, bản thân chị và các đồng nghiệp luôn cố gắng tư vấn một cách cụ thể, lấy những ví dụ gần gũi nhất để người dân hiểu và chủ động tham gia. Khi tuyên truyền hiệu quả, không chỉ giúp các chị phát triển được khách hàng mà còn có thêm các tuyên truyền viên là chính những khách hàng hiện hữu, họ đã chia sẻ, lan tỏa chính sách BHXH, BHYT đến với người thân, hàng xóm, bạn bè để cùng tham gia.
Nhân viên Bưu điện huyện Krông Búk - đại lý thu BHXH, BHYT tuyên truyền cho tiểu thương chợ Pơng Drang về chính sách BHXH, BHYT. |
Việc chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện... luôn được BHXH huyện Krông Búk chú trọng thực hiện, đặc biệt từ khi Nghị quyết 96 của Ban cán sự đảng BHXH Việt Nam ra đời và thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Theo ông Phạm Anh Vũ, Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Búk, bám sát tinh thần Nghị quyết 96, đơn vị luôn đẩy mạnh công tác truyền thông về phát triển BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức như tổ chức đối thoại trực tiếp thông qua các hội nghị khách hàng, truyền thông trên hệ thống loa phát thanh, chia đối tượng thành các nhóm đối tượng nhỏ như đồng bào dân tộc thiểu số, hộ kinh doanh nhỏ, người lao động tự do… để có cách thức tiếp cận, tuyên truyền phù hợp.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, BHXH huyện đã chủ động các hình thức truyền thông vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thông qua đối thoại với các nhóm nhỏ hoặc tuyên truyền qua Zalo, Facebook của đơn vị với những thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Nhờ vậy, đến nay, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng gấp 15 lần so với năm 2017 (từ khoảng 70 người tăng lên trên 1.000 người). Đồng thời số người tham gia BHYT cũng tăng dần qua các năm, thời điểm hiện tại toàn huyện có 55.000 người tham gia BHYT, đạt 92% kế hoạch BHXH tỉnh giao và đạt tỷ lệ bao phủ 85% dân số.
Có thể nói, với việc thường xuyên đổi mới các hình thức truyền thông, hiệu quả mang lại trên địa bàn huyện Krông Búk không chỉ tăng về số lượng người tham gia mà còn nâng cao nhận thức người dân, giúp lan tỏa chính sách BHXH, BHYT.
Đơn cử như trường hợp của chị Vũ Thị Duyên (ở thôn Tân Lập 6, xã Pơng Drang), là một tiểu thương kinh doanh tại chợ Pơng Drang, kinh tế gia đình khá ổn định, trước đây chị chỉ tham gia loại hình bảo hiểm nhân thọ, nhưng sau khi được nhân viên bưu điện tiếp cận, tuyên truyền, chị đã thay đổi suy nghĩ.
Chị Duyên cho biết, lâu nay bản thân chị cứ nghĩ chỉ những người làm công ăn lương mới có lương hưu, nên chị chọn tham gia bảo hiểm nhân thọ để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, khi được tư vấn, chị đã hiểu rõ hơn về chính sách BHXH tự nguyện là tất cả mọi người trong độ tuổi lao động đều có thể tham gia để được hưởng lương hưu khi về già, mức đóng và thời gian đóng cũng linh động theo điều kiện của người tham gia…
Vì thế chị chọn tham gia BHXH tự nguyện và giới thiệu thêm cho người nhà, bạn bè cùng biết về chính sách này.
Tiếp tục đổi mới hình thức truyền thông
Không chỉ riêng huyện Krông Búk, hoạt động truyền thông về BHXH, BHYT luôn được BHXH các địa phương trong tỉnh thực hiện bằng nhiều hình thức, có trọng tâm trọng điểm.
Từ năm 2018 tới nay, hằng năm BHXH tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể triển khai hiệu quả hình thức truyền thông trực tiếp với gần 800 hội nghị đối thoại trực tiếp, gần 700 cuộc tư vấn nhóm nhỏ, theo hộ gia đình. Qua đó, hiểu biết của người dân trên địa bàn tỉnh về chính sách BHXH, BHYT nâng lên rõ nét.
Điều đó được thể hiện từ năm 2017 đến năm 2021, BHXH tỉnh luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao về công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Cụ thể, số người tham gia BHXH tự nguyện tại Đắk Lắk từ 1.600 người năm 2016, tăng lên gấp trên 10 lần, hiện đạt gần 18.000 người (tính đến tháng 9/2022). Số BHYT tiếp tục được duy trì và tăng trưởng tích cực, hiện đạt trên 1,6 triệu người tham gia, đạt gần 96% chỉ tiêu đặt ra.
BHXH, BHYT là hai chính sách thể hiện tính nhân văn, góp phần chia sẻ cộng đồng và phát triển xã hội. Có thể khẳng định rằng nhờ hai chính sách này, cuộc sống của người dân ngày càng ổn định hơn, sức khỏe người dân được chăm sóc tốt hơn.
Nói về giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết số 96 cũng như góp phần hoàn thành chỉ tiêu bảo hiểm trong thời gian tới, ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH tỉnh nhấn mạnh, thời gian đến, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể liên quan trong công tác truyền thông, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Hằng năm chú trọng xây dựng Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông ngay từ đầu năm để chỉ đạo các đơn vị tổ chức, triển khai, thực hiện. Tiếp tục đổi mới nội dung truyền thông; đa dạng hình thức truyền thông hướng tới sự phù hợp với đặc thù của của các nhóm dân cư trên địa bàn.
Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên truyền, hệ thống Tổ chức dịch vụ thu có đầy đủ các kỹ năng truyền đạt, am hiểu tâm lý, phong tục tập quán, ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau, bám sát những người có uy tín trong bản làng, thôn, buôn, tổ dân phố...
Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác truyền thông xuống tận cơ sở thông qua việc tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp; góp phần làm chuyển biến về nhận thức và nâng cao được vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành Luật BHXH, BHYT của đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc