Multimedia Đọc Báo in

Liên đoàn Lao động tỉnh: Tập trung phát triển đoàn viên trong doanh nghiệp ngoài nhà nước

08:13, 03/11/2022

Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước và đã đạt được những kết quả tích cực.

Hằng năm, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch; thành lập ban chỉ đạo và phân công trách nhiệm cho các thành viên phát triển đoàn viên; chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập ban chỉ đạo của cấp mình; giao chỉ tiêu cụ thể về phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong bình xét thi đua, khen thưởng của các cấp công đoàn.

Căn cứ nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố và các công đoàn ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện; phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội, ngành lao động - thương binh và xã hội, thuế tiến hành khảo sát, nắm tình hình các doanh nghiệp (DN) thuộc phạm vi quản lý, phân loại các DN có đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn. Từ đó xây dựng kế hoạch, nội dung tuyên truyền phù hợp đặc thù ngành, nghề và thực tiễn từng địa phương, doanh nghiệp, với phương châm “sát cơ sở, sát người lao động” để vận động chủ DN, người lao động (NLĐ) gia nhập tổ chức công đoàn. Đồng thời phân công cán bộ có kinh nghiệm, có uy tín, am hiểu pháp luật về lao động, công đoàn, có kiến thức về xã hội và kỹ năng giao tiếp, đối thoại để tiếp cận với chủ DN, người sử dụng lao động và NLĐ nhằm tuyên truyền, vận động NLĐ gia nhập tổ chức công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở.

Phát tài liệu tuyên truyền pháp luật lao động, công đoàn cho công nhân lao động Công ty An Trung Mạnh, Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột).

Mặt khác, LĐLĐ tỉnh cũng tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của CĐCS, chú trọng nâng cao vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ, đặc biệt là NLĐ thuộc đối tượng khó khăn, yếu thế, bị bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày...; nâng cao trình độ, năng lực, nghiệp vụ công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các CĐCS...

Với nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả, kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS đề ra hằng năm của LĐLĐ tỉnh đều đạt và vượt kế hoạch. Chẳng hạn năm 2021 kết nạp 3.296 đoàn viên (đạt 115% kế hoạch), thành lập 26 CĐCS (đạt 128% kế hoạch); trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh kết nạp 3.736 đoàn viên (đạt 96% kế hoạch cả năm), thành lập 5 CĐCS. Hiện nay toàn tỉnh có tổng số 1.726 CĐCS, với 74.548 đoàn viên; trong đó có 354 CĐCS và 18.427 đoàn viên thuộc khu vực doanh nghiệp.

Một số đơn vị triển khai tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS như: LĐLĐ huyện Krông Pắc, năm 2021 đã thành lập được 3 CĐCS trong doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 25 lao động trở lên (đạt 100% kế hoạch), kết nạp mới 534 đoàn viên (đạt 178% kế hoạch). Hay tại Công đoàn ngành giao thông vận tải tỉnh, năm 2021 đã kết nạp được 261 đoàn viên tại DN ngoài nhà nước, đạt 104% kế hoạch; 9 tháng năm 2022 kết nạp gần 300 đoàn viên, đạt 105% kế hoạch cả năm...

Thường trực LĐLĐ tỉnh trao tặng túi an sinh hỗ trợ đoàn viên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Nhận thức của phần lớn NLĐ về pháp luật lao động, về tổ chức công đoàn chưa cao; ở nhiều DN cường độ lao động cao, làm việc theo ca, hoặc phân tán dẫn đến khó tập trung NLĐ để tổ chức tuyên truyền; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ công đoàn tiếp cận chủ DN, người sử dụng lao động để thống kê số lượng lao động, DN đủ điều kiện thành lập CĐCS; nhiều DN ngoài nhà nước “ngại” thành lập các tổ chức đoàn thể, trong đó có CĐCS.

Trần Quốc Diễn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.