Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn sự học vùng sâu (Kỳ 1)

09:53, 20/11/2022

Dù đã được Nhà nước quan tâm, nhưng chuyện dạy và học ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân di cư tự do vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Ở đó, các em học sinh đã vượt qua những nhọc nhằn, thiếu thốn trên hành trình theo con chữ. Chắp cánh cho tương lai của các em là những thầy cô giáo đầy nhiệt huyết, ngày ngày bám lớp, bám trường.

Kỳ 1: Gian nan đường đến trường

Nhóm phóng viên chúng tôi đã đến nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân di cư tự do (DCTD) ở các huyện Ea Súp, Lắk, Krông Năng, Krông Bông… để tìm hiểu về chuyện học của các em nhỏ. Điều cứ đeo đẳng day dứt chúng tôi sau những chuyến đi ấy là hình ảnh những em học sinh cuốc bộ đến lớp với đôi dép chưa lành hay những bữa trưa chỉ có cơm trắng và canh rau…

Đi học khi trời chưa sáng

Buôn Đắk Sa (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) nằm lọt thỏm giữa đồi núi, như tách biệt với thế giới bên ngoài. Cách trung tâm xã Đắk Nuê chừng 30 km, buôn có 182 hộ dân, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc di cư vào. Từ đây đến trường học gần nhất chừng 10 km đường đất, mùa khô thì bụi bặm; mùa mưa thì lầy lội, có khi bị chia cắt vì nước lũ. Nơi đây có khoảng 200 học sinh tiểu học và mầm non. Sự học của học sinh nơi đây lắm "gập ghềnh", gian nan...

Đường đến trường của học sinh ở buôn Đắk Sa, xã Đắk Nuê (huyện Lắk).

Chưa đầy 5 giờ sáng, trời vẫn còn tối mịt, em Sùng Di Đại (lớp 5A1, Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm) đã một mình đi bộ đến trường. Cu cậu bước thoăn thoắt trông như "cây nấm di động" trên con đường đất giữa màn đêm núi rừng. Đại là con lớn trong gia đình người Mông từ ngoài Bắc di cư vào. Nhà có bốn anh chị em, một em học mẫu giáo, hai em kế học lớp 1 và lớp 3 cùng trường. Gia đình nghèo nên mẹ Đại đã mang theo em kế và em út bỏ đi. Đại cùng đứa em ở lại cùng cha và bà nội, nhưng rồi em của Đại cũng bị cho người khác nuôi. Ngày ngày, từ 4 giờ sáng em đã dậy ăn sáng và đi bộ quãng đường đất dài hơn 6 km, sau đó mới lấy xe đạp tiếp tục đến điểm trường. “Em rất thích đi học, đi bộ quen rồi nên không mệt. Chắc em chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ thôi!”, cậu bé người Mông nói với cái giọng buồn buồn rồi rẽ vào con đường nhỏ chờ bạn đi cùng.

 

“Có những học sinh nhà cách điểm trường 10 km, đường đi khó khăn, nên nhà trường đã lùi giờ vào học buổi sáng muộn hơn 30 phút. Điều đáng mừng là sỹ số học sinh luôn được duy trì rất cao, không có học sinh nào là con em người dân DCTD nghỉ học giữa chừng”.

 
Thầy Phan Mẫu Kiệm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm (huyện Lắk)

Bên ánh đèn pin chập chờn trước hiên nhà nhỏ, mấy đứa con của anh Sùng Seo Sư đang cố nuốt vội miếng cơm với muối vừng để kịp giờ đến lớp. Gia đình anh Sư có bốn người con, chị cả Sùng Thị Phương học hết lớp 5 phải nghỉ ở nhà chăm em và phụ giúp bố mẹ. Hai em Sùng Thị Yến và Sùng Thị Mai đang học lớp 3 và lớp 4, được anh Sư đưa đi đón về. Còn chị cả thay mẹ chăm em nhỏ mới 2 tuổi. Anh Sư bộc bạch, nhà nghèo, lại đông con nên cố gắng lắm cũng chỉ lo được cho ba đứa nhỏ học đến lớp 9.

Nghèo cũng không để con thất học

Màn đêm buông xuống, bên bếp lửa trong căn nhà trống hoác, cùng chiếc đèn pin, hai chị em Lý Thị Nhi (học lớp 4) và Lý A Thiên (học lớp 1) ngồi ê a đánh vần những con chữ. Ông Sùng A Chư (54 tuổi, ở xã Đắk Nuê) vừa canh bếp vừa chăm chú ngồi xem hai con học bài. Dù không biết chữ, nhưng đôi mắt ông vẫn ánh lên niềm vui khi nhìn hai chị em say sưa bên trang sách. Vợ chồng ông Chư có bốn mặt con, vì nghèo nên vợ ông mang theo hai con gái bỏ đi, để hai đứa còn lại ở với người cha già. Các con ông phải dậy lúc 4 giờ sáng để kịp ăn sáng và chuẩn bị đồ ăn rồi đi bộ đến trường. “Gà trống nuôi con, hoàn cảnh khó khăn nhưng có khổ mấy tôi vẫn tạo điều kiện cho các con đi học để sau này có cuộc sống tốt hơn”, ông Chư chia sẻ.

Có thể thấy, dẫu thiệt thòi, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng tinh thần hiếu học của con em những người dân DCTD thật đáng trân trọng. Cũng bởi không muốn con trẻ thất học, năm 2012, người dân thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) đã san ủi một khoảnh đất nhỏ và bỏ công sức cùng các tổ chức thiện nguyện xây dựng 4 phòng học cho các em bậc tiểu học và mầm non. Đến nay, điểm trường này có 7 lớp học với 186 học sinh, hầu hết là con em người dân DCTD. Sự học của trẻ con ở đây cũng lắm gian nan. Cơ sở vật chất thiếu thốn đủ thứ, các em học sinh lớp 3 phải học tin học, nhưng không có máy tính. Nhà công vụ, phòng ăn nghỉ bán trú không có nên buổi trưa, cô trò trải chiếu ngủ trên nền nhà hay kê bàn học lại. Nhiều em mỗi sáng phải đi bộ đến trường cùng hộp cơm trưa chỉ có rau, bí, thỉnh thoảng có trứng. Có em thì bố mẹ đi rẫy, trưa không đón về hoặc đưa cơm được thì thầy cô phải lo ăn uống. “Dù còn nhiều khó khăn, thiệt thòi nhưng học sinh ở đây vẫn đều đặn đến lớp. Phần lớn các em hoàn thành tốt chương trình”, cô Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư M’lan chia sẻ.

Cô trò Trường Tiểu học Cư M'lan (xã Cư M'lan, huyện Ea Súp) trong một giờ học.

Do ở đây chỉ có điểm trường tiểu học nên những học sinh từ lớp 6 trở lên ở Bình Lợi được bố mẹ gửi ra xã Cư M’lan, Ea Lê hay thị trấn Ea Súp để trọ học; có em thì phải sang huyện Ea H’leo học. Đây là điều không hề dễ dàng với người dân, bởi ngoài chuyện lo kinh phí thì việc thăm nom con hay mỗi tuần đón về một lần rất khó khăn, nhất là những ngày mưa, đường lầy lội hay vào thời điểm mùa vụ.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Ở trọ "nuôi" con chữ

Anh Sơn – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.