Xâm hại trẻ em là tội ác!
Thống kê trong 5 năm (2017 - 2021), các cơ quan tố tụng tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 214 vụ/229 bị can; truy tố 203 vụ/228 bị can; xét xử 175 vụ/220 bị cáo về các tội xâm hại trẻ em.
Hậu quả, có 8 trường hợp tử vong, 163 trường hợp bị tổn thương bộ phận sinh dục, 13 trường hợp có thai, 7 trường hợp phải bỏ học và 160 trường hợp bị tác động mạnh, mang thương tật về thể chất, tinh thần, thường xuyên có thái độ lo sợ, tự ti, từ đó làm suy giảm nhận thức và mất năng lực giao tiếp xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cơ quan cảnh sát điều tra hai cấp tỉnh Đắk Lắk giải quyết 17 tố giác, tin báo tội phạm và khởi tố 16 vụ/16 bị can về các tội xâm phạm tình dục trẻ em.
Ảnh minh họa: Internet |
Có thể nói, đây chỉ là số vụ việc đã được xử lý, thông tin, do người bị hại trình báo với cơ quan chức năng. Trên thực tế, có nhiều trẻ em đã bị xâm hại mà gia đình cũng như người bị hại chưa dám lên tiếng vì tâm lý e ngại, sợ xấu hổ với bà con hàng xóm hay sợ ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai của con em mình sau này. Trong khi đó, công tác điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của những đối tượng xâm hại trẻ em tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa của cơ quan chức năng còn gặp rất nhiều khó khăn.
Theo các chuyên gia về y học - tâm lý, trẻ em bị xâm hại tình dục sẽ bị những sang chấn tâm lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến cả cuộc sống lâu dài về sau này. Khi bị xâm hại, ngoài những tác động tiêu cực về thể chất, trẻ còn gặp những di chứng về tâm thần. Nhiều trẻ sau khi bị xâm hại tình dục có sự hoảng loạn, xuất hiện các ảo giác bệnh lý. Nhiều trẻ bị xâm hại thường xuyên không dám nói với người lớn, phải âm thầm chịu đựng, dễ bị trầm cảm, mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội. Nghiêm trọng hơn, sau khi bị xâm hại tình dục, không ít trẻ có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần. Về lâu dài, việc bị xâm hại từ nhỏ sẽ ám ảnh cả đời đối với nạn nhân. Các chuyên gia đều cho rằng, việc xâm phạm trẻ em là tội ác, vì có thể phá hủy cuộc đời của một đứa trẻ và để lại những hậu quả nặng nề.
Những kẻ có hành vi đồi bại đã bị truy tố, bắt giữ chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao ngăn ngừa được những hành vi xâm hại trẻ em một cách hiệu quả. Bởi vì, những hành vi đồi bại, thú tính của những kẻ mất nhân tính luôn ẩn sâu trong các gia đình, thôn xóm, không biết bộc phát lúc nào để có thể lường trước được.
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 với chủ đề: "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới". Theo đó, UBND tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; tìm kiếm sự trợ giúp trong trường hợp bị bạo lực; xử lý nghiêm các vi phạm về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…
Tuy nhiên, trước hết và trên hết, ngay chính trong các gia đình, những người cha, người mẹ phải luôn quan tâm quản lý, giáo dục, hướng dẫn con em đừng để rơi vào tay những “yêu râu xanh”, trở thành nạn nhân bị xâm hại. Mặt khác, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, cung cấp cho trẻ em kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình, lên án các hành vi xâm hại tình dục. Đặc biệt, pháp luật phải xử lý thật mạnh tay, thật nghiêm khắc đối với những “yêu râu xanh”, để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm này. Những vụ án liên quan đến xâm hại trẻ em cũng cần được tổ chức xét xử lưu động, thu hút đông đảo người dân theo dõi, để giáo dục, tạo sự răn đe cao trong cộng đồng, góp phần ngăn ngừa các hành vi đồi bại.
Tường Mạnh
Ý kiến bạn đọc