Multimedia Đọc Báo in

Chuyện ở Sình Voi

08:09, 30/12/2022

Chỉ cách trung tâm xã Ea Wy (huyện Ea H'leo) khoảng 5 km, nhưng nhiều năm nay, cuộc sống của người dân khu vực Sình Voi 1, 2, 3 (gọi chung là khu Sình Voi) gần như bị tách biệt hẳn với xã hội bên ngoài bởi không điện, không đường, và nhiều cái không khác…

Với diện tích tự nhiên khoảng 2.245 ha, trong đó có hơn 650 ha đất sản xuất, Sình Voi là nơi cư trú tập trung của 58 hộ với 245 nhân khẩu người dân tộc Tày, Nùng, di cư từ tỉnh Cao Bằng vào lập nghiệp những năm 1980 đến nay. Do địa bàn hiểm trở, nhiều vực sâu nên người dân địa phương quen gọi nơi đây là khu Sình Voi.

Những năm trước, Sình Voi là thôn 2C, nhưng đến năm 2021 được sáp nhập vào thôn 2B. Từ trung tâm thôn vào Sình Voi chỉ độc đạo một lối mòn nhỏ hẹp, dài chừng 4 km đầy hố sâu, len lỏi qua những sườn đồi, nương rẫy. Trời nắng vốn đã rất nhọc nhằn đi lại, mỗi khi mưa xuống con đường này trở thành nỗi ám ảnh với người dân nơi đây. Mặt đường trơn trượt bùn đất, nước mưa từ trên cao ào ào xối thẳng xuống hình thành những rãnh sâu hoắm, xe cộ gần như không thể qua lại.

Đường vào khu dân cư Sình Voi là lối mòn đất nắng bụi, mưa lầy.

Chị Phan Thị Thượng ở Sình Voi 3 chia sẻ: “Do đường sá đi lại khó khăn nên người dân nơi đây gần như sống tự cung tự cấp, ít đi chợ, thường thì một tuần mới ra chợ trung tâm xã để mua những thực phẩm thiết yếu như muối, mắm, cá khô... Trong khu Sình Voi không có quán tạp hóa, những người buôn bán hàng rong, nhân viên giao hàng cũng không ai vào. Mọi thứ giao dịch mua bán, người dân đều phải tự đi ra trung tâm xã. Đến mùa thu hoạch cà phê, điều, tiêu, bà con tự đổi công cho nhau. Nông sản làm ra cũng phải vận chuyển từng bao bằng xe máy, hoặc nhà nào có điều kiện hơn thì sắm được xe máy cày chở ra ngoài bán cho đại lý. Lũ trẻ đến trường từ bậc mầm non đến THPT cũng đều phải ra khu vực trung tâm xã, chỉ có thể đến được trường học vào những ngày nắng ráo, mưa thì đành nghỉ học. Khổ nhất là trong vùng có ai bị ốm đau mà gặp ngày mưa thì sống, chết gần như phó mặc cho số phận”.

Không chỉ gặp khó khăn về giao thông đi lại, địa bàn này còn chưa có điện lưới quốc gia, kéo theo đó là hàng loạt những bất cập đối với đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Trước đây, người dân Sình Voi đều dùng đèn dầu để thắp sáng, khoảng 5 năm trở lại đây, một số hộ đầu tư lắp được tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà (khoảng 50 - 70 wat). Tuy nhiên, trời nắng thì còn tích được điện vào bình ắc quy để thắp sáng, ngày nào trời nhiều mây, hoặc mưa thì cũng không có điện dùng. Những hộ ở gần trung tâm thôn hơn, thì tự dựng cột tre, mua điện từ các hộ lân cận kéo về sử dụng… nhưng dù cách nào thì nguồn điện vẫn rất yếu và không bảo đảm cho sinh hoạt.

Ông Phạm Danh, Bí thư Chi bộ thôn 2B cho hay, nguồn điện tự phát của người dân khu Sình Voi chủ yếu chỉ đủ thắp điện sáng vào lúc ăn cơm chiều, nhiều nhà phải ăn cơm từ khi trời còn sáng để tiết kiệm điện. Vậy nên, ở đây, gà lên chuồng cũng là lúc người dân chuẩn bị đi ngủ. Không có điện, lũ trẻ không có ánh sáng để học bài. Phương tiện chủ yếu để bà con biết thông tin bên ngoài có lẽ là chiếc đài FM chạy bằng pin, nhưng cũng nghe bập bõm vì sóng yếu… Đời sống tinh thần của người dân theo đó cũng bị hạn chế, không nắm bắt được các thông tin thời sự, không cập nhật kiến thức khoa học để áp dụng vào sản xuất.

Đời sống kinh tế của người dân Sình Voi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp thế nhưng nơi đây chưa có công trình thuỷ lợi nào để dẫn nước vào đồng ruộng. Việc canh tác cây trồng như cà phê, tiêu, điều chủ yếu nhờ trời, trong khi phương thức sản xuất còn lạc hậu, chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất, sản lượng cây trồng thấp. Hoạt động chăn nuôi heo, gà, ngan thì nhỏ lẻ, manh mún, đa số thanh niên trong vùng đều thoát ly đi làm ăn xa... Chính vì vậy mà đa phần số hộ trong khu Sình Voi vẫn là hộ nghèo và cận nghèo.

Điện thắp sáng của gia đình anh La Văn Côn ở khu Sình Voi 3 phụ thuộc vào hai tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà do gia đình tự lắp đặt.

Anh Hà Văn Thịnh, cán bộ địa chính xã Ea Wy cho hay, Sình Voi là khu vực đặc biệt khó khăn, địa hình đồi núi cách trở, dân cư sống không tập trung nên để đầu tư làm đường, hoặc đưa được điện đến những nơi này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn... Năm 2020, UBND xã đã xây dựng kế hoạch đầu tư trình UBND huyện Ea H’leo bố trí kinh phí khoảng 20 tỷ đồng để bê tông hóa 4 km đường bê tông, 1 trạm điện trung thế và 1,5 km đường dây hạ thế vào khu dân cư Sình Voi. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên năm 2022, UBND huyện Ea H’leo mới bố trí 500 triệu đồng từ ngân sách huyện làm được 300 m đường bê tông (rộng 3,5 m); xã cũng bố trí 180 triệu đồng cân đối từ ngân sách địa phương để tu sửa, san lấp tạo mặt bằng cho một số đoạn đường tại đây. So với nhu cầu thực tiễn tại đây thì nguồn kinh phí đầu tư này cũng chưa thấm vào đâu.

Hy vọng một ngày không xa, hạ tầng về giao thông và điện lưới sớm được đầu tư cho Sình Voi, để đời sống của người dân ở Sình Voi bớt khó khăn, con đường đến trường của trẻ em ở nơi đây đỡ gian nan…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.