Multimedia Đọc Báo in

Krông Pắc đào tạo nghề theo nhu cầu người lao động

08:44, 01/12/2022

Với phương châm dạy nghề theo nhu cầu, những năm qua huyện Krông Pắc đã nỗ lực thực hiện hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đạt được những kết quả tích cực, góp phần giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống.

Những ngày này, chị Trà Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa An tất bật thực hiện việc khảo sát nhu cầu nghề nghiệp của người lao động địa phương để phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên – Giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN) huyện Krông Pắc mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại chỗ cho người dân trong năm 2023. Chị cho hay, có hai nghề mà nhiều người lao động có nhu cầu học hiện nay là nghề may gia công và trang điểm. Dưới sự hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, khóa đào tạo ngắn hạn nghề may tháng 7/2022 được tổ chức tại địa phương với 35 học viên tham gia. Kết quả, 30 người đủ điều kiện tốt nghiệp, nhiều người sau đó có việc làm tại địa phương với mức lương ổn định, từng bước cải thiện cuộc sống.

Chị Trần Thị Nhung, thôn Thăng Tiến 3, xã Hòa An đã có thu nhập ổn định từ nghề may gia công.

Chị Trần Thị Nhung, thôn Thăng Tiến 3, xã Hòa An là một trong những học viên có việc làm ngay sau khi học nghề. Chị Nhung cho biết, trước đó, chị chỉ ở nhà nội trợ, không có thu nhập nên cuộc sống rất khó khăn. Khóa đào tạo nghề được tổ chức tại địa phương miễn phí, học viên được hỗ trợ ăn trưa nên gia đình ủng hộ chị đi học. Nhờ chuyên cần, chịu khó học hỏi nên chị nhanh chóng nắm chắc kỹ thuật cắt, may... Ngay sau khi tốt nghiệp, chị được một cơ sở may trên địa bàn xã nhận may gia công với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Ngoài nghề may, năm 2022 huyện Krông Pắc còn tổ chức lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi bò tại xã Ea Kênh với sự tham gia của 35 học viên, góp phần giúp người dân định hình hoạt động sản xuất trong tương lai. Chị H’Mnônh Ayũn, buôn Ea Đun chia sẻ, khóa đào tạo ngắn hạn kỹ thuật chăn nuôi bò được tổ chức tại chỗ đã giúp chị nhận ra cách chăn nuôi đàn bò 6 con của gia đình chưa đúng, nhất là cách phòng tránh dịch bệnh và chế độ dinh dưỡng cho bò, dẫn đến bò còi cọc, chậm lớn, bán không được giá. Ngoài học lý thuyết tại nhà văn hóa của buôn Ea Đun, chị còn được giáo viên đến tận nhà để hướng dẫn kỹ thuật tiêm vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng… cho bò; tư vấn cách thức cải tạo chuồng trại để việc chăn nuôi hiệu quả hơn. Hiện tại, chị đã trồng thêm cỏ VA06 tại các khoảng trống trong vườn cà phê của gia đình để bổ sung nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho bò. Chị dự định sẽ bán bớt một con bò để trang trải chi phí và cải tạo lại chuồng trại, mua thêm các giống cỏ khác để trồng và mở rộng chăn nuôi.

Trên thực tế, việc dạy nghề theo nhu cầu người học không chỉ thu hút người trẻ mà còn thuyết phục được nhiều lão nông của buôn làng theo học, qua đó họ từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất. Ông Y Hêm Niê (51 tuổi) cũng trú buôn Ea Đun có thâm niên hàng chục năm nuôi bò, ban đầu ông không hứng thú với lớp học nghề, nhưng sau đó gia đình động viên nên ông đã cố gắng sắp xếp thời gian theo học và trở nên hào hứng tìm hiểu, tiếp nhận kiến thức mới. Lớp học theo hình thức cầm tay chỉ việc nên dễ hiểu, dễ làm. Hiện tại, ông đã biết cách ủ rơm làm thức ăn cho bò; cách vỗ béo bò trước khi bán…

Chị H’Mnônh Ayũn (bên trái), buôn Ea Đun chăm sóc đàn bò của gia đình.

Theo thống kê của Trung tâm GDNN-GDTX huyện, giai đoạn 2011 – 2022, Trung tâm đã mở hơn 100 khóa đào tạo nghề ngắn hạn cho khoảng 3.000 lao động nông thôn với các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Riêng năm 2022 có 8 khóa đào tạo ngắn hạn với hơn 250 học viên. Qua đó, giúp nhiều lao động có việc làm với thu nhập ổn định.

Bà Hoàng Thị Nam, Phó Giám đốc Trung tâm GDTX-GDNN huyện Krông Pắc cho biết, việc đào tạo nghề được thực hiện trên cơ sở nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách địa phương phân bổ. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của người học, thị trường lao động; phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đoàn thể tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để họ học được cái mình cần, từng bước ổn định và làm giàu tại quê nhà.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.