Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh

17:52, 23/12/2022

Chiều 23/12, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2020 – 2022 tại UBND tỉnh.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân làm Trưởng đoàn giám sát, làm việc với đoàn có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Theo số liệu của UBND tỉnh, giai đoạn 2020 – 2022, tỉnh Đắk Lắk đã trải qua 4 đợt dịch, ghi nhận 174.537 trường hợp mắc COVID-19, trong đó, 279 trường hợp tử vong. Căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, UBND tỉnh thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 bảo đảm mục tiêu vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại buổi làm việc
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân phát biểu tại buổi làm việc

Về huy động nguồn lực phòng, chống dịch, kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 1.188 tỷ đồng, trong đó, năm 2020 gần 462 tỷ đồng, năm 2021 đạt 582,5 tỷ đồng, năm 2022 hơn 144,3 tỷ đồng; huy động tiền, hiện vật của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước năm 2020 đạt hơn 9,5 tỷ đồng, năm 2021 huy động 73,7 tỷ đồng.
Toàn tỉnh đã chi 431,1 tỷ đồng cho hoạt động phòng chống dịch COVID-19, năm 2021 chi 482,3 tỷ đồng, năm 2022 chi 202 tỷ đồng. Số tiền chi trong các năm dùng cho việc giám sát, đào tạo, tập huấn, mua thuốc, vật tư, hóa chất, kít thử, vắc xin, trang thiết bị phòng chống dịch, cách ly y tế và chế độ cho người tham gia phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, trong đó, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch rất lớn, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế; thiều nguồn nhân lực đào tạo bài bản, chuyên sâu về hồi sức cấp cứu, nên áp lực của nhân viên y tế tham gia điều trị rất lớn…

Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của ngành y tế
Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của ngành y tế

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung mà đoàn giám sát quan tâm như: triển khai những văn bản của trung ương về phòng, chống dịch; hiệu quả của những chính sách tài khóa, tiền tệ trong lĩnh vực này; việc huy động nhân lực tham gia phòng, chống dịch; công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng trong quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19; cơ sở vật chất, việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương của y tế cơ sở…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, tỉnh đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Thời gian tới, tỉnh cần quan tâm, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành y tế, trong đó đẩy mạnh phân cấp theo tình hình cụ thể của địa phương; tiếp tục chú trọng phòng, chống dịch bệnh, trong đó, tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, nhân lực và nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế cơ sở, y tế dự phòng; tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công tác phòng, chống dịch; chủ động phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, đánh giá việc thực hiện chính sách của trung ương, nhất là những khó khăn, bất cập trong thực tiễn để kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện chính sách.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.