Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm hoạt động tuyên truyền, bảo vệ môi trường

08:11, 20/12/2022

Giúp học sinh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua những hoạt động trải nghiệm là cách làm thiết thực được Trường THCS Ea Tul (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar) và nhiều trường học trên địa bàn huyện Cư M’gar đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường.

Thầy Nguyễn Huy Hoan, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Tul cho biết, trên cơ sở phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, năm nay là năm thứ hai trường tổ chức chuyên đề chuyên môn và hoạt động trải nghiệm sáng tạo dành cho học sinh gắn với bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo học sinh toàn trường cùng nhiều trường học khác trên địa bàn huyện tham gia. Qua đó không chỉ tạo sân chơi lành mạnh, không khí thi đua sôi nổi giữa các trường mà còn góp phần tuyên truyền sâu rộng và nâng cao nhận thức tới học sinh, phụ huynh, cộng đồng về chung tay bảo vệ môi trường sống.

Học sinh Trường THCS Đinh Tiên Hoàng thuyết trình bức tranh với chủ đề "Nước và cuộc sống".

Tại “Hoạt động trải nghiệm tuyên truyền, bảo vệ môi trường năm 2022” vừa được trường tổ chức vào đầu tháng 12, các em học sinh đến từ 9 trường học trên địa bàn huyện Cư M’gar đã có cơ hội thể hiện khả năng của bản thân cũng như thỏa sức sáng tạo với nhiều nội dung hoạt động hấp dẫn. Ở phần thi vẽ tranh mang chủ đề “Nước và cuộc sống”, học sinh mỗi trường đã mang đến bức tranh sinh động, đầy sắc màu; đồng thời các em đã thuyết trình nội dung tranh liên quan đến những vấn đề làm ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến cuộc sống nhân loại như: biến đổi khí hậu, thiên tai, chặt phá rừng, rác thải...

 

“Thông qua từng bức tranh và những sản phẩm tái chế, các em học sinh đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường sống. Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường từ trong nhà trường ra đến ngoài xã hội”- ông Hoàng Xuân Ngân, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh.

Với bức tranh thể hiện bàn tay nâng niu giọt nước lớn, cùng phần thuyết trình song ngữ Việt – Anh thuyết phục, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng đã xuất sắc giành giải Nhất tại hội thi. Em Nguyễn Lê Anh Minh (lớp 9A1, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng) chia sẻ: “Thông qua hoạt động trải nghiệm này đã giúp chúng em được thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình vào bức tranh khi chứng kiến môi trường sống xung quanh đang dần bị hủy hoại bởi chính con người. Từ đó, chúng em mong muốn mang đến thông điệp phải cố gắng bảo vệ nguồn nước sạch trước khi bị ô nhiễm bằng những hành động thiết thực nhất đến tất cả mọi người.”

Trong khi đó, ở phần thi trả lời nhanh câu hỏi kiến thức cơ bản về môi trường trên nền tảng phần mềm Kahoot, nhiều câu hỏi gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường được đưa ra: “Trồng cây gây rừng có tác dụng gì?”,  “Chúng ta cần làm gì để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường?”, “Sử dụng nguồn năng lượng nào không gây hại cho môi trường?”, “Những việc gì nên làm để tiết kiệm nước?”. Đặc biệt, sau mỗi câu hỏi, ban tổ chức đều trình chiếu một video clip với ví dụ sinh động để tất cả các em có thể theo dõi và hiểu đúng về câu trả lời. Qua đó, không chỉ học sinh mà cả thầy cô và những người thực hiện chương trình đã lĩnh hội được nhiều kiến thức bổ ích.

Điểm mới của hoạt động trải nghiệm tuyên truyền, bảo vệ môi trường tại Trường THCS Ea Tul năm nay là có thêm phần trưng bày các sản phẩm tái chế do học sinh các trường tự tay chế tạo. Các sản phẩm thể hiện sự sáng tạo, khả năng của học sinh khi tận dụng đồ phế thải để hoàn thiện những sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống. Trường THCS Nguyễn Văn Bé mang đến sản phẩm “Thùng rác thông minh” được làm từ các bìa carton, tre, ống nhựa qua sử dụng; Trường THCS Đinh Núp tạo những chiếc hộp bút xinh xắn từ ly uống trà sữa bỏ đi; Trường THCS Trần Quang Diệu dùng hộp sữa bột, chai nhựa, lon bia, túi nilon đã qua sử dụng để tạo nên “Bộ bàn ghế từ phế liệu”; Trường THCS Ea Tul mang đến mô hình “Ngôi nhà mơ ước” bằng việc tận dụng những que kem bỏ đi. Đặc biệt, Trường THCS  Đinh Tiên Hoàng với bộ vật dụng “Hương vị ngày Tết” (gồm: giỏ ấm ủ bình nước trà, khay kẹo mứt, bình hoa, lồng đèn) được làm từ các nguyên liệu như: dây thép, giấy vụn, bao bì sản phẩm... đã được ban tổ chức trao giải sản phẩm tái chế ấn tượng nhất.

Sản phẩm tái chế bộ vật dụng “Hương vị ngày Tết” của Trường THCS Đinh Tiên Hoàng.

Trong khuôn khổ chương trình, học sinh được tham gia các trò chơi, trả lời câu hỏi liên quan đến bảo vệ môi trường sống, giao lưu văn nghệ tạo nên sự sôi động xuyên suốt thời gian diễn ra hoạt động. Thầy Trần Đình Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bé bày tỏ, đây là sân chơi giúp học sinh có sự trải nghiệm, sáng tạo, cập nhật kiến thức trong bảo vệ môi trường, để khi trở về trường học, gia đình, các em sẽ có ý thức hơn trong việc quan tâm đến việc giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh mình.

Có thể thấy, tuy chỉ là một hoạt động nhỏ trong trường học nhưng đã có tác động giáo dục rất lớn đến học sinh, để các em có thể "vừa chơi vừa học", lĩnh hội kiến thức một cách hào hứng, không máy móc, từ đó mang đến sự hiệu quả trong việc hình thành và nâng cao ý thức cho học sinh trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.